12 nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đã có các tuyến buýt kết nối

Lê Khánh 15/03/2022 09:09

Dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông  có 12 nhà ga, tại các ga đều có các tuyến xe buýt kết nối giúp hành khách di chuyển thuận lợi từ xe buýt sang tàu điện và ngược lại. Trong đó, hầu hết các ga có tuyến buýt kết nối đến các bến khách xe nội, ngoại thành.

Công ty Hà Nội Metro cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được đưa vào chở khách từ 6/11/2021. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, hoàn toàn trên cao và có 12 nhà ga; trung bình hơn 1 km có một nhà ga. Hai ga đầu tuyến là Cát Linh và Yên Nghĩa.

Lộ trình tuyến và vị trí ga như sau: đầu phố Cát Linh (giao với phố Hào Nam) - Hoàng Cầu (ga khu vực ngã tư La Thành) - Thái Hà (gần ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu) - Láng (ga Láng, trước Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) - trục đường Nguyễn Trãi (ga Thượng Đình, trước chợ Thượng Đình và ga đường Vành đai 3) - đường Trần Phú (ga Phùng Khoang, trước Học viện Y dược cổ truyền; ga Văn Quán, Tòa nhà 143 Trần Phú) - Quang Trung (ga Hà Đông, gần phố Bế Văn Đàn và ga La Khê) - trục đường QL6 cũ đến bến xe Yên Nghĩa (Văn Khê, Yên Nghĩa).

Tất cả 12 nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều có các tuyết buýt kết nối tạo thuận lợi cho người dân.

Theo đó, dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 12 nhà ga, hiện đã có các tuyến xe buýt để kết nối giúp hành khách di chuyển thuận lợi cụ thể như sau.

Tại các ga Cát Linh và La Thành kết nối với bến xe Giáp Bát bằng tuyến buýt số 25, kết nối với bến xe Gia Lâm bằng tuyến buýt số 22A. Ga La Thành, Thái Hà kết nối với bến xe Mỹ Đình qua tuyến buýt số 30. Ga Thái Hà và ga Láng kết nối với bến xe Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 21A.

Ga Láng còn kết nối với bến xe Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 02, với bến xe Nước Ngầm qua tuyến buýt số 16, với bến xe Mỹ Đình qua tuyến buýt số 09B. Ga Thượng Đình nối với bến xe Gia Lâm, bến xe Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 01, với bến xe Giáp Bát, bến xe Yên Nghĩa qua tuyến số 21A, với bến xe Mỹ Đình qua tuyến buýt số 44.

Ga Vành đai 3 kết nối với bến xe Gia Lâm và bến xe Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 01, với bến xe Giáp Bát và Yên Nghĩa qua tuyến số 21A, với bến xe Mỹ Đình qua tuyến số 21B. Ga Phùng Khoang và ga Văn Quán nối với bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 01, với bến xe Giáp Bát và Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 21A, với bến xe Mỹ Đình qua tuyến số 22B, với bến xe Giáp Bát qua tuyến buýt số 22C.

Ga Hà Đông và La Khê nối với bến xe Gia Lâm và Yên Nghĩa qua tuyến buýt số 01, bến xe Giáp Bát qua tuyến số 21A, nối với bến xe Nam Thăng Long qua tuyến buýt số 57, với bến xe Sơn Tây qua tuyến buýt số 89.

Ga Văn Khê và Yên Nghĩa kết nối với bến xe nhất: bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nam Thăng Long, Hoài Đức, Sơn Tây qua các tuyến buýt số 01, 21A, 37, 57, 89, CNG07 và bến xe Thường Tín.

Từ ga Yên Nghĩa, hành khách đi bộ vào bến xe Yên Nghĩa để đó xe buýt đi thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, tuyến số 72), xã Miếu Môn thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, tuyến số 66), thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Cùng với kết nối với các tuyến buýt thường, hành khách từ ga Cát Linh và ga La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa có thể đi bộ để đến nhà chờ của tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã.

Hiện hàng ngày các đoàn tàu chở khách từ 5h30 - 22h, với tuần suất 10 phút/chuyến tàu dừng đón, trả khách tại các ga. Hành khách đi tàu mua vé trực tiếp tại các nhà ga, với các loại vé tháng, vé ngày, vé lượt và vé miễn phí cho đối tượng ưu tiên theo quy định.

Giá vé tháng (tính theo 30 ngày thực tế) có các loại: 100.000 đồng (học sinh, sinh viên), 140.000 đồng (vé mua tập thể từ 30 người trở lên) và 200.000 đồng (vé phổ thông). Vé ngày có giá 30.000 đồng/vé/không giới hạn số lượt đi lại; vé lượt giá 8.000 - 15.000 đồng (tùy theo khoảng cách ga di chuyển).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    12 nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đã có các tuyến buýt kết nối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO