15 'đại gia' tiền mặt trên sàn chứng khoán nắm giữ 13,8 tỷ USD năm 2022

Lê Trang (Tổng hợp) 02/02/2023 08:00

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng lượng tiền của 15 doanh nghiệp nắm giữ nhiều nhất giảm 11.500 tỷ so với cuối quý 3/2022, Novaland rời top sau khi lượng tiền giảm mạnh 13.000 tỷ đồng.

Theo Nhịp sống thị trường, nhiều chuyên gia dự báo nền kinh tế Việt Nam 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm trước. Thêm vào đó, việc huy động vốn qua các kênh trái phiếu, cổ phiếu cũng không dễ dàng.

Trong bối cảnh trên, những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có khả năng chống chịu với thách thức, thậm chí còn có thể hưởng lợi từ việc gửi tiền nhàn rỗi.

Chặng đường kinh doanh năm 2022 đã qua đi, các “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm) đã lộ diện với những cái tên không còn xa lạ.

Những doanh nghiệp nắm giữ tới cả chục nghìn tỷ tiền mặt đều là các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế từ vật liệt xây dựng, hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến ô tô như HPG, PV GAS, ACV, Vingroup, BSR, Sabeco,…

Thống kê số liệu cho thấy, tại thời điểm 31/12/2022 có ít nhất 15 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 15 doanh nghiệp này lên đến 323.000 tỷ đồng, tương đương 13,8 tỷ USD.

Top 5 doanh nghiệp nắm giữ hơn 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm 30/12/2022 là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Tổng công ty khí Việt Nam (GAS), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Vingroup (VIC) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Đáng chú ý, Hòa Phát soán ngôi “đại gia nhiều tiền nhất sàn chứng khoán” quý thứ 5 liên tiếp với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng tại thời điểm 31/12 đạt 34.600 tỷ đồng, dù đã giảm tới 6.100 tỷ đồng so với đầu năm. Số dư tiền mặt của doanh nghiệp đầu ngành thép chiếm tới hơn 20% tổng tài sản.

Nhìn lại năm 2022, doanh thu quý của Hòa Phát đạt cao nhất vào Q1/2022 và giảm dần từng quý đến cuối năm. Ngay sau cuộc họp ĐHCĐ thường niên với thông báo “sẽ thê thảm” của ông Trần Đình Long, lợi nhuận sau thuế Q2/2022 của Hòa Phát giảm hơn một nửa so với Q1/2022 và ghi nhận âm liên tiếp trong quý 3 và quý 4.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4 âm 2.000 tỷ đồng, tiếp tục lao xuống đáy mới sau quý 3 vừa ghi nhận lỗ hơn 1.700 tỷ. Điểm sáng thấy được trong năm này so với năm 2021, thị phần thép xây dựng được nâng từ 33% lên 35%, thị phần ống thép tăng từ 25% lên 29% trong năm 2022 giúp Hòa Phát duy trì vị trí đứng đầu về thị phần nội địa đối với hai loại sản phẩm này.

Doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt thứ hai là PV Gas với 34.275 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022. Năm 2022 là một năm đại thắng của GAS với tổng doanh thu đạt hơn 100.000 tỷ, cao nhất từ khi thành lập. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 15.100 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2021; riêng quý 4/2022, GAS thu về 3.340 tỷ đồng lãi sau thuế.

Ba doanh nghiệp nắm giữ trên 1 tỷ USD tiền và tương đương tiền khác là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, 33.000 tỷ), Tập đoàn Vingroup (VIC, 28.200 tỷ) và Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, 25.000 tỷ đồng).

Một trong số các doanh nghiệp tăng mạnh lượng tiền mặt trong quý 4 năm 2022 là Masan Group. Nếu như hồi cuối quý 3/2022, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Masan đạt vỏn vẹn 7.725 tỷ đồng thì đến cuối quý 4 đã tăng gần gấp đôi lên nắm giữ 14.200 tỷ đồng.

Trong đó, Masan từng chia sẻ để tăng trưởng bền vững trong một thị trường đang phát triển như Việt Nam đòi hỏi phải xây dựng các hoạt động kinh doanh tạo ra dòng tiền vững mạnh.

Masan không tham gia vào hoạt động mua bán tài sản như đầu tư bất động sản hoặc hoạt động đầu cơ ngắn hạn mà xác định hàng tiêu dùng là lĩnh vực trọng điểm của mình.

Ở phía giảm mạnh, Novaland đã không còn xuất hiện trong top 15 doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn sau nhiều quý giữ vững vị trí. Tại ngày 31/12/2022, lượng tiền mặt của NVL giảm sâu 13.240 tỷ đồng so với cuối quý 3 xuống còn 8.900 tỷ đồng.

Cùng trong thời gian này, Tập đoàn Nova Group bất ngờ công bố tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cuối tháng 11/2022. Novaland đang đứng trước thách thức chưa từng có, các ngân hàng dừng giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký, khách hàng không thể trả tiền mua nhà, nợ tới hạn chưa có cơ chế giãn/ân hạn. Tập đoàn buộc phải cắt giảm 50% nhân sự, bán rẻ tài sản, giảm một phần hoạt động thi công những dự án lớn.

Tương tự như Novaland, FPT Telecom (FOX) cũng rời top 15 doanh nghiệp có số dư tiền trên 10.000 tỷ đồng sau khi giảm mạnh lượng tiền về 7.300 tỷ ở thời điểm cuối quý 4/2022; trước đó cuối quý 3 vẫn ghi nhận 11.600 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt lớn nằm trong Top 10 đại gia tiền trên sàn còn có Vinamilk (19.700 tỷ); FPT (19.500 tỷ); Petrolimex (18.700 tỷ); VGI (16.900 tỷ)...

Với khoản tiền gửi hàng chục nghìn tỷ, các "đại gia" thu về hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ lãi tiền gửi trong cả năm. Số tiền này phần nào bù đắp các khoản chi phí lãi vay lớn từ những khoản nợ vay mà các doanh nghiệp phải gánh vác.

Hơn nữa, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9% đến 10%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, một số ngân hàng huy động tới 11,5%/năm.

Nhờ vậy, những "đại gia nhiều tiền nhất sàn chứng khoán" được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi từ lãi suất tăng khi duy trì lượng tiền gửi cao tại ngân hàng.

Cũng cần lưu ý rằng, không ít các doanh nghiệp cũng vay nợ hàng trăm nghìn tỷ. Đương nhiên chi phí lãi vay cũng theo đó tốn cả trăm tỷ mỗi quý. Do đó, chưa thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả doanh nghiệp trên đều sẽ được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất huy động gia tăng.

[Cuộc đua giành thị phần môi giới: Lợi nhuận có bù nổi phí tổn?]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    15 'đại gia' tiền mặt trên sàn chứng khoán nắm giữ 13,8 tỷ USD năm 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO