20-11 ở vùng sạt lở: Không quà không hoa, chỉ mong học sinh được đến lớp

18/11/2020 21:57

Trao đổi với phóng viên, các thầy cô ở những vùng bị sạt lở, chia cắt trong đợt bão lũ vừa qua chỉ mong muốn là đường thông, trường lớp được sửa chữa lại để các em được đi học lại bình thường.

Đã 3 tuần kể từ ngày 28/10, toàn bộ trường tiểu học và THCS Phước Thành (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) phải nghỉ học vì mưa lũ làm trường bị sạt lở khá nặng, đường sá vẫn còn bị chia cắt…

Trường tiểu học và THCS Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam bị sạt lở đến cổng trường.
Khu nhà ở của học sinh và giáo viên bị sạt lở nghiêm trọng.

Thầy Trà Văn Nhiều, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Phước Thành - cho biết, trận mưa lũ ngày 28/10 làm sạt lở, vùi lấp toàn bộ khu ở của học sinh; xe máy, xe đạp của giáo viên và học sinh cũng bị trôi hết.

Bùn đất ập vào phòng ngủ của học sinh.

Sau trận sạt lở, toàn bộ 34 cán bộ và giáo viên đã về nhà hết, vì ở lại không an toàn, giờ chỉ có một mình bảo vệ ở lại để trông coi tài sản.

Trường bị sạt lở, đường đến trường bị mưa lũ cắt đứt, thầy cô về xuôi, học sinh không thể đến trường kể từ ngày 28/10. Mong muốn nhất của thầy cô của trường lúc này, thầy Nhiều cho biết: “Hiện chỉ mong muốn đường thông, các cây cầu dẫn đến trường đảm bảo và an toàn cho các em và thầy cô khi đến trường”.

Bàn ghế của học sinh bị hư hỏng.

Thầy Trà Văn Nhiều cho biết, trường có 422 học sinh, trong đó có 100 em bán trú. Kỷ niệm ngày 20/11 năm nay, thầy Nhiều chia sẻ là chỉ biết nhắn tin chúc mừng các thầy cô của trường qua mạng xã hội và hỗ trợ ít kinh phí cho các thầy cô, đợi khi đường thông, trường sửa chữa lại thì gặp mặt chúc nhau sau.

Đường vào xã Phước Lộc bị sạt lở, cô lập hiện chưa thể thông đường.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn), đợt mưa lũ lớn ngày 28/10 đã làm thiệt hại cho trường rất nhiều. Toàn bộ hệ thống nước cung cấp cho trường đã bị hư hỏng hết, sách vở học sinh bị trôi…

Hiện trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc vẫn còn 60 em ở trường do nhà bị sạt lở, không có chỗ ở.

Thầy Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng trường cho biết, từ 3 tuần nay, toàn bộ phòng học, khu nội trú của học sinh, giáo viên đều dành cho người dân các thôn lân cận về lánh nạn do sạt lở. Chính quyền xã Phước Lộc đã di chuyển hơn 210 hộ dân về sinh sống tập trung tại trường để đảm bảo an toàn.

Mưa lũ làm trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc thiệt hại cơ sở vật chất không bằng trường tiểu học và THCS Phước Thành, nhưng mất mát lớn nhất là 4 em học sinh của trường đã bị sạt lở chôn vùi trong vụ sạt lở làm 11 người dân bị chết và mất tích. Đến nay vẫn còn 4 người chưa tìm thấy thi thể.

Trường có 211 em học sinh 3 cấp gồm 26 em học sinh mầm non, 91 em học sinh tiểu học và 94 em THCS, có 150 em học bán trú. Từ ngày xảy ra vụ sạt lở đến nay, vẫn còn 60 em ở trường do nhà bị sạt lở, không có chỗ ở nên trường phải chăm các em như bình thường.

Trong dịp kỷ niệm 20/11 năm nay, thầy Ngộ cho biết hiện các em học sinh chưa thể đến trường, giáo viên chưa thể đến lớp vì đường sá còn sạt lở, cơ sở vật chất của trường chưa được sửa chữa lại; nên mong mỏi duy nhất của thầy cô ở trường là được đi dạy lại bình thường, các em học sinh đi học lại bình thường. “Không mong muốn nào hơn lúc nay là thầy cô được đi dạy và học sinh được đi học”, thầy Ngộ chia sẻ.

Điểm trường Tăk Rối thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập bị mưa lũ làm hư hỏng.

Tại huyện Nam Trà My, một số điểm trường cũng bị mưa lũ làm hư hại nặng nề. Thầy Lê Văn Bốn – phụ trách điểm trường Tăk Rối thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập) cho biết, mưa lũ làm điểm trường hư hại rất nặng. La-phông, tường bị sập, bàn ghế, dụng cụ học sinh hư hỏng.

Sau lũ, nhà trường dọn dẹp để tạm thời làm chỗ dạy cho các em.

Sau lũ, trường phải nhờ nhà dân dạy cho 15 em học sinh khối mầm non nhưng điều kiện khó khăn, chật chội, tối tăm không phù hợp với việc dạy và học.

Còn trường sập thì hiện đã sửa chữa tạm để tiếp tục dạy cho 15 em khối tiểu học nhưng thầy Bốn cho biết “rất không an toàn” vì trường có thể sập bất cứ lúc nào. Điều kiện cũng không đảm bảo, thiếu điện, không có nước, sinh hoạt rất khó khăn.

“Giờ không có mong muốn chi khác, tôi muốn ổn định để thầy cô yên tâm dạy học, học sinh yên tâm đến trường. Ngày 20/11 năm nay, mình chỉ ở điểm trường sinh hoạt với các cháu học sinh ở đây chứ không mong muốn gì, vì trong điều kiện hiện rất khó khăn, chỉ mong các em đi học đầy đủ là vui rồi”, thầy Bốn chia sẻ.

Điểm trường Tăk Pổ thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập bị mưa bão làm hư hỏng.
Người dân giúp chằng chống để điểm trường không bị sập.

Còn cô Nguyễn Việt Thảo - phụ trách điểm trường Tăk Pổ cũng thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập) cho biết, mưa lũ cũng làm điểm trường bị hư hại, không thể tiếp tục dạy và học được; nhiều đồ dùng, sách vở của học sinh cũng bị hư hỏng.

Các em học sinh tiểu học phải học nhờ nhà dân.

Từ sau lũ, cô Thảo mượn nhà dân để dạy cho 36 em gồm 14 em tiểu học và 22 em mầm non. Tuy nhiên, mượn nhà dân rất bất tiện, không đủ ánh sáng, chật hẹp, dụng cụ học học tập không có; chưa kể phải mượn 2 nhà dân dành riêng cho hai khối mầm non và tiểu học mới đủ chỗ…

Các em lớp mẫu giáo học nhờ ở một nhà dân khác.

Mong muốn của cô Thảo lúc này là điểm trường được sửa chữa lại để cô trò cùng yên tâm dạy và học, cô không mong muốn gì hơn. “Trời vẫn còn mưa nên điểm trường không sửa chữa được. Giờ chỉ mong trường ổn định để cô trò dạy học cho ổn định thôi”, cô Thảo chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20-11 ở vùng sạt lở: Không quà không hoa, chỉ mong học sinh được đến lớp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO