2019 và thách thức tăng trưởng

Thúy Hằng 25/03/2019 23:00

Ngày 25/3 tại Hà Nội diễn ra hội thảo công bố ấn phẩm “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Hướng tới chính sách tài khoá bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”. Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) thường xuyên ở mức cao.

GS. TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.

Nói rõ hơn về thu ngân sách, PGS. TS Tô Trung Thành đánh giá, trong những năm gần đây, quy mô thu ngân sách giảm. Thu ngân sách từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% GDP trong giai đoạn năm 2006-2009 và về khoảng hơn 23% GDP trong giai đoạn năm 2015-2018.

Dù vậy, theo đánh giá, quy mô ngân sách của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các quốc gia đang phát triển cũng như các nước ASEAN. Theo thống kê, quy mô thu ngân sách trên GDP của trung bình các nước thu nhập thấp năm 2018 chỉ là 15,1%, các nước khu châu Á cung thời gian này là 17,3%.

Cũng tại Hội nghị, ông Tô Trung Thành chỉ ra thách thức của nền kinh tế năm 2019. Đó là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới, là những rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh như kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, chưa được thực thi một cách quyết liệt và thực chất, kết quả sản xuất khu vực tư nhân còn rất yếu và còn nhiều rào cản. Dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp cũng là thách thức với nền kinh tế Việt Nam năm 2019. Đó là việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát, đặc biệt là khi mức tăng trưởng thực tế đang cao hơn sản lượng tiềm năng, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện. Thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng khiến dư địa cho chính sách tài khoá ngày càng thu hẹp, khiến doanh nghiệp luôn đối diện với rủi ro tăng thuế phí, cản trở sự cải thiện của môi trường kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2019 và thách thức tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO