2021, năm của hàn gắn

Phan Quang Vũ 31/12/2020 07:00

Trong thông điệp chia tay năm cũ để bước vào năm mới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng năm 2021 sẽ là năm khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch, phục hồi những nền kinh tế và xã hội bị tổn thương, hàn gắn sự chia rẽ và hàn gắn hành tinh. “Cùng nhau, chúng ta hãy tạo dựng hòa bình giữa con người và thiên nhiên, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan và biến năm 2021 trở thành một năm của sự hàn gắn” - ông Guterres nói.

Nếu năm 2020 là năm buộc phải giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 thì năm 2021 được cho là năm của sự hàn gắn.

“Ánh sáng của niềm hy vọng lấp ánh phía trước”

Năm 2021 sẽ là năm “hàn gắn hành tinh”, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi và cho biết nội dung này sẽ phải là Nghị quyết cho năm 2021.

Nhìn lại năm 2020, ông Guterres cho rằng đây là một năm đầy thử thách, bi kịch và nước mắt, do đại dịch Covid-19 hoành hành. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, đẩy thế giới vào cảnh tang tóc. Theo đó, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng cũng gia tăng, nhiều người bị mất việc cùng với nợ nần và nạn bạo lực gia đình ở mức đáng báo động. Tình trạng mất an ninh cũng xảy ra trên diện rộng.

“Nhưng một năm mới đã tới và mỗi người có thể thấy được ánh sáng của niềm hy vọng lấp lánh phía trước. Mọi người đang mở rộng vòng tay giúp đỡ những người hàng xóm và những người xa lạ. Những nhân viên ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh đang tiếp tục cống hiến hết sức mình. Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển vaccine với thời gian nhanh kỷ lục. Các nước tiếp tục đưa ra những cam kết mới để ngăn chặn thảm họa khí hậu”- ông Guterres viết và cho rằng đoàn kết và thống nhất thì những hy vọng đó sẽ lan tỏa ra khắp thế giới. “Biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đều là những cuộc khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết nếu tất cả đều chung sức và đồng lòng” - Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Chừng nào virus còn tồn tại thì tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm

Trước đó, khi mà “cuộc chiến giành vaccine” đi đến giai đoạn gấp rút, thì Tổng Thư ký LHQ Antonia Guterres đã kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo mua vaccine, vì rằng có đến 80% số vaccine ngừa Covid-19 đã thuộc về các nước giàu (vào thời điểm giữa tháng 12/2020). Tổng Thư ký LHQ cũng cho biết, trong nỗ lực to lớn ấy, tính đến cuối tháng 1/2021 thì chương trình COVAX do LHQ hậu thuẫn sẽ cần số tiền 5 tỷ USD để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine cho tất cả các quốc gia nhưng hiện đang thiếu hụt một khoản lớn.

Ông Guterres cũng bày tỏ ái ngại khi nhận thấy một số nước đã đặt mua số lượng vaccine nhiều hơn gấp vài lần dân số nước đó. Ông kêu gọi chính phủ các nước này tặng số vaccine chưa dùng đến cho chương trình COVAX.

“Lợi ích tốt nhất của thế giới là phải đảm bảo tiêm chủng vaccine rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vaccine hiện nay có thể sẽ không còn phát huy tác dụng tốt”, cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ.

Tương tự, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình dương cũng lên tiếng kêu gọi thế giới cần thận trọng trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 được triển khai trên toàn cầu: Vaccine không phải là “thần dược” có thể chấm dứt được đại dịch.

Giám đốc khu vực Tây Thái Bình dương của WHO, ông Takeshi Kasai, khẳng định chừng nào virus còn tồn tại, thì tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm, và thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. “Phát triển một vaccine an toàn và hiệu quả là một chuyện, song sản xuất vaccine với số lượng phù hợp để đến được với tất cả mọi người lại là chuyện khác” - ông Kaisa nói.

Cùng quan điểm, Giám đốc phụ trách tình hình khẩn cấp trong khu vực của WHO Babatunde Olowokure nhấn mạnh rằng “thế giới không được tự mãn, phải duy trì cảnh giác, tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế”.

Cảnh giác với biến thể virus mới

Tại thời điểm bàn giao giữa năm cũ 2020 và năm mới 2021, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 không chỉ nóng vì số người bị lây nhiễm tiếp tục gia tăng cùng đó là số ca tử vong, mà người ta còn “sốt ruột’ trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tuy rằng chưa có dấu hiệu nó nguy hiểm hơn và cũng có thể thấy là ít độc lực.

Ngày 14/12/2020, nước Anh chính thức công bố về biến thể virus này, và cho rằng nó có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 70% so với chủng virus đã biết. Ngay lập tức, các biện pháp phong tỏa lại được áp dụng ở nhiều quốc gia. Các nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Italy, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan… đã tỏ ra rất e dè trước biến chủng mới này.

Vậy, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là gì? Theo giới y học, việc xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng là điều bình thường vì dịch đã kéo dài 1 năm, trong thời gian ấy virus cũng biến đổi để thích nghi. Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng cũng chưa đủ để miễn nhiễm với vaccine mới được điều chế. Ông Ugur Sahin - Giám đốc điều hành BioNTech, cho biết có “niềm tin khoa học” rằng vaccine của Pfizer/BioNTech có thể hiệu quả trước biến thể mới.

Tuy thế, theo chuyên gia James Gallagher thì biến thể mới đang nhanh chóng thay thế các phiên bản khác của virus SARS-CoV-2 mà chúng ta đã biết, vì thế dù sao thì cũng cần phải cảnh giác.

Thống đốc bang Colorado (Mỹ) Jared Polis cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại đây. Phòng thí nghiệm bang Colorado cũng như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xác nhận thông tin này. “Còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về biến thể Covid-19 mới này. Vì thế chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ trường hợp này” - Thống đốc Polis cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2021, năm của hàn gắn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO