2021, năm hồi phục và bứt phá

Duy Phương 02/01/2021 08:00

Nếu như để gói gọn bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 trong một cụm từ, có ý kiến cho rằng, đó chính là “gian nan thử sức”. Quả thực, chúng ta đã trải qua một năm đầy khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 cũng như tác động rất xấu của thiên tai. Song, nền kinh tế vẫn thật ấn tượng với  tăng trưởng dương.

Xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021.

“Thuốc thử” cho cộng đồng doanh nghiệp

Theo giới chuyên gia kinh tế thế giới, Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của các làn sóng Covid-19 dồn dập.

Nhìn lại bức tranh nền kinh tế 2020, có thể khẳng định sức chống chịu của Việt Nam là “quá kiên cường”. Trong khi cả thế giới lao đao vì đại dịch Covid-19, tổn thất nặng nề cả về người cũng như về tài chính, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, bên cạnh đó việc thực thi các biện pháp cách ly y tế đã giúp cho chúng ta khống chế được rất tốt đại dịch Covid-19.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho nhiều nhà đầu tư nhìn Việt Nam bằng con mắt đầy thiện cảm và đã có quyết định đầu tư vào Việt Nam. Nhiều nhà máy của các tập đoàn lớn đã chuyển dịch sang các nước có tiềm năng do tác động của đại dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm, cách nhìn về bức tranh của nền kinh tế năm 2021, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã bày tỏ sự lạc quan khi đưa ra nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế bị gián đoạn, tuy nhiên triển vọng phục hồi ổn định, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021.

Đáng chú ý, sau làn sóng đại dịch Covid-19 lần hai, người dân, doanh nghiệp (DN) không còn tâm lý quá hoang mang, lo ngại, thay vào đó, họ quen dần với trạng thái “bình thường mới”, tiếp tục các biện pháp vừa phòng chống dịch, vừa tìm hướng đi phục hồi sản xuất.

Quả thực, trong thời gian qua, nhiều DN đã rất nỗ lực để vừa chống chọi với dịch bệnh, vừa có những bước đi nhằm khôi phục kinh tế. Là một DN làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, ông Nguyễn Trường Giang - chủ một resort tại Pù Luông (Thanh Hóa) cho biết, khu resort của ông mới chỉ được khách thành hồi giữa năm 2019, đùng một cái dịch bệnh xuất hiện ngay trước thềm của mùa hè năm 2020, ông nhận được hàng loạt các cuộc điện thoại của các khách hàng báo hủy vì đại dịch.

Vậy là “đứa con tinh thần” được vị giám đốc trẻ “thai nghén” một thời gian khá dài đã gặp ngay phải rủi ro “đầu đời”. Theo ông Giang, kể từ khi chính thức khai trương, rersot thưa thớt, lác đác khách đến nghỉ dưỡng. Vào những tháng cao điểm của dịch bệnh, chúng tôi đóng cửa hoàn toàn, các giao dịch đều ... đứng yên. Hàng loạt các hợp đồng đã được ký kết trước đó đều bị đối tác đơn phương chấm dứt.

Trước tình cảnh đó, ông Giang quyết định thay đổi hướng đi, không theo làm chuỗi nhà hàng nữa, thay vào đó hướng đến dịch vụ hoàn toàn mới. Đó chính là hình thành đội ngũ shipper chuyên nghiệp để thực hiện các cuộc giao hàng.

Ông Giang cho biết, dù mới quyết định thành lập công ty về chuyển phát nhanh này, song số lượng đơn hàng, hợp đồng tăng lên từng ngày. Hiện ông đang có một đội ngũ nhân viên hùng hậu với hơn 100 nhân viên thực hiện chuyển phát hàng hóa, thư tín hết sức hữu hiệu. Lượng đơn hàng gia tăng liên tục.

Nghĩ về những “đứa con tinh thần” của mình, ông Giang cho rằng, nếu cứ đau đáu với những rủi ro đã qua, sẽ khó có thể đứng lên được. Chính điều này đã thôi thúc ông mạnh dạn tìm thêm nguồn vốn để chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ so với những gì ông đã làm. “Đại dịch làm lao đao nền kinh tế, song thêm một lần nữa, giống như một liều “thuốc thử” đối với DN”, ông Giang nói.

Nỗ lực hồi phục và bứt phá

Cũng bày tỏ những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho hay, năm 2020 ngành may là một trong những ngành bị dịch bệnh tác động mạnh nhất. Ngay khi dịch xuất hiện tại Trung Quốc, ngành may đã bị đứt gãy nguồn cung do không thể nhập khẩu được nguyên phụ liệu.

Trong khi, theo ông Việt, may mặc là ngành phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, do đó, khi Trung Quốc bị dịch bệnh xâm lấn đã khiến cho thị trường này bị phong toả, nguồn hàng nhập khẩu bị chững lại. Các DN ngành may không có nguyên liệu để sản xuất cũng như không có đơn hàng...

Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, khó khăn do dịch bệnh gây ra song May 10 cũng nhìn thấy những cơ hội được tạo ra từ chính dịch bệnh. “Nhận thấy những sản phẩm truyền thống trước đây như áo sơ mi, cà vạt, quần âu là những sản phẩm không được ưa chuộng trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi quyết định chuyển sang những dòng sản phẩm mà thị trường đang cần, như găng tay, khẩu trang kháng khuẩn... giảm thiểu các dòng sản phẩm mà thị trường không có nhu cầu trong thời điểm dịch bệnh hiện nay” - ông Việt nói, đồng thời cho biết thêm, với sự chuyển đổi kịp thời đó, toàn công ty đã trụ vững vượt qua những khó khăn, doanh thu vẫn ổn định.

Đáng chú ý, nếu như nhiều DN buộc phải cắt giảm nhân công vì doanh thu giảm trong năm 2020, thì May 10 vẫn duy trì được đội ngũ người lao động, đồng thời đảm bảo được lương thưởng cho đội ngũ nhân viên, nhằm động viên tinh thần làm việc của người lao động trong bối cảnh khó khăn.

Những nỗ lực của cộng đồng DN cho thấy tinh thần vượt khó, phục hồi của DN. Và theo đánh giá của giới chuyên gia, tinh thần này sẽ tạo đà để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.

Trao đổi với báo giới, TS Lê Minh Phong cho rằng, nền kinh tế năm 2021 có rất nhiều dư địa để phục hồi. Theo ông Phong, ngay từ quý IV của năm 2020 đã có những dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt nhờ sự phục hồi của hoạt động kinh tế trong nước và các yếu tố tâm lý thịt trường.

Đáng chú ý, khi chúng ta kiểm soát dịch tốt, sẽ là cơ sở để thu hút các DN FDI đổ vốn vào thị trường trong nước. “Ngoài ra, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ được cải thiện sẽ giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á”, ông Phong nêu quan điểm.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cũng cho rằng, điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2020 chính là hoạt động xuất nhập khẩu. Dù bị chững lại trong thời điểm đầu năm vì dịch bệnh làm chững lại các giao dịch thương mại quốc tế, song hoạt động xuất nhập khẩu cũng đã ghi nhận những kết quả “đẹp”.

Các nhóm ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông sản, linh kiện điện tử... vẫn duy trì được con số tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, với việc Việt Nam ký kết và thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có EVFTA đã tạo cú huých mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đây cũng chính là động lực để thúc đẩy phát triển xuất khẩu nói riêng, phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Cũng theo vị chuyên gia này, hoạt động xây dựng dự kiến hồi phục trong quý 4 nhờ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng được thúc đẩy.

Như vậy, có thể nói, về tổng thể, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, do kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Song, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings đã công bố dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19. S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.Nhiều báo quốc tế cũng nhận định, với việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công và phục hồi xuất khẩu mạnh như vậy, giờ đây Việt Nam đã trở thành một trong những tấm gương cho thương mại toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2021, năm hồi phục và bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO