2021, năm tăng trưởng ngoạn mục

Thế Tuấn 24/01/2021 07:02

Nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu “ở mức khó tin” và chính vì thế sự phục hồi và tăng tốc phát triển của năm 2021 là không thể nghi ngờ.

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng trong khó khăn.

Ngày 22/1, Ngân hàng Standard Chartered đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021, với tựa đề “Hướng tới sự phục hồi” cùng với Báo cáo “Việt Nam triển vọng phục hồi mạnh mẽ năm 2021”.

Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt 7,8% so với mức 2,9% trong năm 2020. Đó cũng là dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế về nền kinh tế Việt Nam năm 2021, một năm được cho là vẫn đầy khó khăn trên phạm vi toàn cầu.

Theo Ngân hàng Standard Chartered, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nên sự vượt trội so với các nền kinh tế khác tại châu Á.

Chuyên gia Leelahaphan (phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered) cho rằng, kể từ quý III-2020, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và quá trình hồi phục cho thấy đã và đang diễn ra ổn định; trong khi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực đầu tư và dịch vụ cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được cho là hấp dẫn nhất thế giới.

Lợi thế vượt trội

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7% trong các năm từ 2021 - 2025 và đến năm 2035 sẽ giữ vị trí 19 trên thế giới. Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Tương tự, Tạp chí Nikkei của Nhật Bản cũng đưa ra nhận định đầy triển vọng về kinh tế Việt Nam, trong đó khẳng định, Việt Nam là một trong 3 nền kinh tế Đông Nam Á có khác biệt lớn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, có thể trở về thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.

Nikkei cũng cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam “rất giá trị” khi mà các nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… vẫn có thể ảm đạm trong năm 2021. Tạp chí này dẫn lời chuyên gia kinh tế Yuta Tsukada thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI) cho rằng, với việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công, Việt Nam đã tạo ra lợi thế lợi vượt trội.

Còn theo chuyên gia kinh tế Siam Fewner (Singapore) thì cho rằng, năm 2021 là năm Việt Nam tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bất chấp dịch bệnh diễn biến ra sao. Điều đó là động lực tăng trưởng “đáng thèm muốn” của bất cứ nền kinh tế nào ở vào thời điểm này.

Tờ Thời báo New York Times của Mỹ đăng bài “Việt Nam có phải là “kỳ tích châu Á?”, trong đó cho rằng việc kiểm soát đại dịch đã giúp Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Ấn tượng hơn nữa, sự tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu”. Từ nhịp tăng trưởng của năm 2020, năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ còn bứt phá hơn, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á”- tờ báo nhận xét.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam.

Khả năng chống chịu “ở mức khó tin”

Tuy không đưa ra con số tăng trưởng cao (7,8%) như Standard Chartered, nhưng trong báo cáo đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam đưa ra đầu năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đưa dự báo con số tăng trưởng GDP Việt Nam trong 2021 có thể đạt mức từ 6,5 đến 6,8%.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam thì Việt Nam đã được sự tăng trưởng tuyệt vời bất chấp đại dịch đang khiến kinh tế nhiều quốc gia tăng trưởng âm. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang tiếp tục đưa ra các ưu tiên trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2021 đến 2030, và Việt Nam sẽ có những bước phát triển ngoạn mục tiếp theo” - vị chuyên gia nói.

Lạc quan hơn, Ngân hàng OUB của Singapore và HSBC - Hongkong (Trung Quốc) còn nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức lần lượt là 7,1% và 8,1%. S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam tăng 10,9% trong 2021, mạnh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Còn theo The Asean Post, nền kinh tế Việt Nam cho thấy khả năng chống chịu “ở mức khó tin” và chính vì thế sự phục hồi và tăng tốc phát triển của năm 2021 là không thể nghi ngờ.

Ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.

Một năm “dấn thân” vào các hiệp định thương mại tự do

Một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn tới việc các định chế tài chính quốc tế đưa ra nhận xét khả quan về kinh tế Việt Nam năm 2021 chính là việc trong năm 2020 Việt Nam đã lần lượt tham gia 3 FTA quy mô rộng lớn, mở ra cơ hội hợp tác toàn diện của nền kinh tế khi có cơ hội tiến vào các thị trường phát triển có sức mua lớn hàng đầu thế giới.

3 FTA đó gồm: Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.

Các FTA mới được ký kết và thực thi bước đầu đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Với EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, thì gần như lập tức các container hàng hóa của Việt Nam đã rời cảng tiến vào thị trường EU rộng lớn với hơn 350 triệu dân, thu nhập cao.

Chỉ 5 tháng sau khi EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo giới chuyên gia, việc trong năm 2020 Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm, ký kết hiệp định này vào tháng 11/2020 là một nỗ lực hết sức to lớn. Hiệp định này được cho là có quy mô lớn nhất thế giới, tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia.

Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.

Giới quan sát cũng ngạc nhiên trước khi năm 2020 “khóa sổ”, tối 29/12/2020, Việt Nam và Vương quốc Anh đã chính thức ký kết UKVFTA. Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cũng cần lưu ý, Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với khoảng 400 dự án đang triển khai được đầu tư hơn 3,6 tỉ USD (tính đến tháng 8/2020).

“3 FTA được Việt Nam ký trong năm đầy khó khăn 2020 đã cho thấy nỗ lực của họ cũng như khát vọng vươn lên không gì cưỡng lại được của nền kinh tế này”, nhận xét từ HSBC.

Mở rộng đối tác thương mại

Tại “Diễn đàn Đầu tư Ấn Độ - Việt Nam” do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Tập đoàn VinaCapital tổ chức, tại TPHCM, ngày 22/1 mới đây, theo ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam thì mối quan hệ về kinh tế là quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.

“Mặc dù cả hai quốc gia đã có mối quan hệ lâu dài song chúng ta cần tìm kiếm những tiềm năng khai thác mới từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai quốc gia. Nền kinh tế số của Việt Nam đang có rất nhiều thế mạnh, đó là cơ hội cho hai quốc gia thúc đẩy đầu tư lâu dài, kết nối nền kinh tế dài hạn”, theo Đại sứ Pranay Verma.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, hiện có 33.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 384 tỉ USD từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ đứng thứ 26 với 296 dự án, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 900 triệu USD.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ đã được thiết lập từ năm 2007 và hai bên trở thành đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2017, kể từ đó đến nay các hoạt động thương mại và đầu tư liên tục gia tăng và phát triển.

Nếu như năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ mới chỉ đạt hơn 2,7 tỉ USD thì chỉ 3 năm sau đó, con số này đạt hơn 4,5 tỉ USD, tăng hơn 65%. Trong khoảng thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng gần 3 lần, từ 2,6 tỉ USD đến xấp xỉ 6,7 tỉ USD.

Như vậy là, cùng với việc mở rộng các đối tác thương mại, thì với quyết tâm đẩy mạnh giao thương Việt Nam - Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, năm 2021 được coi là kinh tế Việt Nam chuyển từ phục hồi sang phát triển.

Nói như ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”.

Giới chuyên gia ví rằng kinh tế Việt Nam “giống như chiếc lò xo bị nén”, chỉ chờ thời cơ là bật tăng. Vì vậy, năm 2021, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, khả năng phục hồi mạnh mẽ dự kiến sẽ từ quý II/2021.

Bởi thời gian qua, Việt Nam liên tục ký kết các FTA thế hệ mới để mở rộng không gian kinh tế. Một khi dòng vốn đã dịch chuyển vào Việt Nam, tất yếu nền kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy, không chỉ trong năm 2021 mà cả trong 5 năm tới. Cũng cần biết rằng, trong năm 2021 sẽ có 14/16 hiệp định FTA chính thức có hiệu lực, mở ra thị trường xuất khẩu lớn, nhất là mặt hàng nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2021, năm tăng trưởng ngoạn mục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO