25% trẻ đang bị suy dinh dưỡng

T.H . 19/09/2016 19:15

Theo số liệu Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế mới công bố, 24,6% trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Việt Nam là một trong 20 quốc gia trên thế giới có số lượng trẻ thấp còi cao nhất, cứ 4 trẻ thì có một bé bị thấp còi do thiếu hụt dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ bị suy dinh dưỡng - trong đó có những sai lầm trong cách chăm sóc trẻ. 

Thức ăn cho trẻ phải đủ chất dinh dưỡng.

Theo các bác sĩ, trẻ suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Theo đó, một trẻ phát triển bình thường có cân nặng thay đổi như sau: Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng 1-2kg/tháng. 3 tháng tiếp theo trẻ tăng 500-600g/tháng. 6 tháng tiếp theo chỉ tăng 300-400g/tháng. Đến lúc 1 tuổi, trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9-10kg). Từ 2-10 tuổi trẻ tăng trung bình 2-3kg/năm. Khi trẻ không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt (nguy cơ bị suy dinh dưỡng).

Nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng chủ yếu do bà mẹ thiếu kiến thức nuôi con, sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng. Cụ thể:

Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con: Nhiều người mẹ vì một số lý do đã không cho trẻ bú mẹ ngay từ khi lọt lòng (cho rằng sữa mẹ nóng, sữa mẹ không đủ chất…). Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi khoa học đã chứng minh sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng mà không có bất cứ loại sữa hay thực phẩm nào có thể so sánh.

Cho ăn dặm không đúng cách: Cha mẹ không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, bởi nhiều chất thì dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, thiếu chất thì không đủ dinh dưỡng… hoặc khi trẻ bị một số bệnh như tiêu chảy, sốt, nhiều bậc phụ huynh lại cho trẻ ăn kiêng quá mức dẫn đến việc thiếu chất… Ngoài ra việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ quá sớm hoặc quá muộn cũng đều phản tác dụng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm có thể làm cho trẻ ít bú sữa mẹ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh vì thiếu các chất dinh dưỡng và yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ. Ngoài ra còn có thể khiến trẻ dễ bị dị ứng vì trẻ chưa tiêu hóa được các protein có trong thức ăn. Còn nếu cho trẻ ăn bổ sung quá muộn dễ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng do từ 6 tháng tuổi sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng như giun, sán: Khi bệnh trẻ thường biếng ăn, những kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh, vừa diệt bớt các vi khuẩn thường trú có lợi cho cơ thể tại đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu.

Những nguy cơ của suy dinh dưỡng

- Tăng các nguy cơ bệnh lý: Nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy… Suy dinh dưỡng là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý này xảy ra và kéo dài, bệnh lý làm cho trẻ ăn uống kém, nhu cầu năng lượng gia tăng và vì vậy suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn.

- Chậm phát triển thể chất: Ảnh hưởng trên tầm vóc.

- Chậm phát triển trí não: Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ trong giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ bị thiếu dinh dưỡng thường là thiếu đồng bộ nhiều chất trong đó có những chất cần thiết cho sự phát triển não và trí tuệ của trẻ như chất béo, chất đường, sắt, iốt, DHA, Taurine… Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội thường kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu.

Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa hoặc mắc bệnh. Cần phải cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường. Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo hoặc cơm và các thức ăn như trẻ khác cần phải thêm thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cho ăn thêm hoa quả chín.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    25% trẻ đang bị suy dinh dưỡng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO