3 ngày ở Cù lao Chàm

PHƯƠNG MAI 30/08/2015 15:25

Đi Cù lao Chàm không? Lời rủ của Vương Tuấn - anh bạn có đợt công tác tại đảo Cù lao Chàm đúng lúc tôi đang rảnh khiến cho chuyến đi được thực hiện một cách mau lẹ. Cù lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thị xã Hội An (Quảng Nam) là một điểm đến của những người thích đi du lịch. Tôi cũng đã nhiều lần dự định đi, nhưng phải đến lần gần đây mới đặt chân tới hòn đảo xanh như ngọc này. Hòn đảo không quá lớn, nhưng rõ ràng, muốn khám phá hết Cù lao Chàm cần phải có sức khỏe và đôi khi cả sự không ngại mạ

3 ngày ở Cù lao Chàm

Cua đá Cù lao Chàm

Cù lao Chàm là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối đá hoa cương (granit) Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà được hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Hệ thống đứt gãy này đã tạo điều kiện cho sự mở rộng các thung lũng, làm nên nhiều hồ chứa nước trên sườn đồi và hàng trăm hang, hốc sâu - những cảnh đẹp thơ mộng, huyền ảo. Ở phía Đông của Hòn Lao, vách đá dựng đứng cao đến 100m thường xuyên bị sóng dữ vỗ tạo thành tháp, tường, đá chồng, thác nước, đá đổ và các mạch nước ngầm thành hình các bàn cờ, rùa, đá, đầu người, trống - mái...

1. Cũng xin được kể đôi chút, Vương Tuấn đã nhiều lần ra Cù lao Chàm. Khi biết tôi lần đầu tiên ra đảo, có phần hồi hộp, nên trước khi đi, Tuấn hỏi muốn đi theo cách nào?

Thấy tôi hơi ngỡ ngàng, Tuấn bảo:

- Bây giờ tàu thuyền rất tiện. Muốn đi nhanh ra đảo cũng có, đi chậm cũng có. Tùy theo sở thích và... sức khỏe.

À, thì ra là vậy. Đương nhiên là tôi chọn “đi nhanh”. Đi nhanh tức là đi bằng ca nô, với giá vé 350.000đ, chỉ mất chừng 15 phút là ra tới đảo. Tuấn bảo với tôi, đi tàu chợ thì rẻ hơn, chỉ khoảng 40-50.000đ nhưng tốn nhiều thời gian hơn (khoảng hơn 1 tiếng). “Đối với những khách hay bị say sóng thì không nên đi thuyền gỗ vì đi thuyền gỗ dập dìu và mất thời gian lâu hơn”, Tuấn vừa dứt lời, ca nô cao tốc đã cập bến.

Vậy là mong ước một lần ra đảo Cù lao Chàm của tôi đã thành hiện thực. Như một hướng dẫn viên du lịch, Tuấn khá là thuộc Cù lao Chàm. Vừa đi, Tuấn vừa giới thiệu: Cù lao Chàm là một cụm đảo, gồm 8 hòn đảo nhỏ, được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Cù lao Chàm còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La rộng khoảng 15km2. Vì thế, mọi sinh hoạt trên Cù lao Chàm khá dễ chịu.

Tôi đã nghe nói nhiều về Cù lao Chàm – hòn đảo ngoài khơi xa với gần 3.000 dân sống nhưng điều thú vị là tất cả mọi người “nói không với túi nilon”. Ngay cả du khách ra với đảo cũng phải chấp hành những quy định sử dụng túi nilon như người dân trên đảo. Đó quả thực là một sự khác biệt so với phong trào “nhà nhà dùng túi nilon, người người dùng túi nilon” ở khắp nơi.

Một người dân tôi gặp trên đảo kể với tôi: Nhiều năm trước, Cù lao Chàm cũng đã đứng trước thảm trạng túi nilon ngập tràn trên mặt biển. Biển xanh lúc đó cũng trở thành một bãi rác rập rềnh. Biển mênh mông nhưng chính biển đã trả lại con người những gì con người xử tệ với biển khơi. Người ở Cù lao Chàm đã phải hứng những bãi túi nilon ở nhiều nơi trên đảo. Cho tới khi nghe tin UNESCO có kế hoạch kiểm tra để công nhận Cù lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền TP Hội An đã phải vào cuộc. Lúc đó, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An lúc đó đã trực tiếp bắt tay vào xử lý “bãi rác giữa biển” này. Một vấn đề không hề dễ, nhưng ông Nguyễn Sự và chính quyền nơi đây đã làm được, đã thuyết phục được người dân nói không với túi nilon. Bây giờ, du khách đến Cù lao Chàm lại được thết đãi bằng những bãi biển xanh thấu đáy – một màu xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với màu xanh của biển… Và tất nhiên, cả bằng tình người nồng hậu.

3 ngày ở Cù lao Chàm - 1

2. Khác với sự “chặt chém thành Thần” ở biển Vũng Tàu và một vài bãi biển khác, du khách tới biển Cù lao Chàm cảm thấy dễ chịu. Nạn chặt chém, “cầm nhầm” không xuất hiện. Đồng thời cũng không gặp cảnh tận diệt thú rừng dù 90% diện tích là rừng cấm quốc gia.

Hiện Cù lao Chàm đã phát hiện 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong đó có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài. Đối với cư dân cù lao, những chú khỉ đuôi dài tinh nghịch xuống tận bờ đá giáp với mặt nước biển vào mỗi sớm chiều đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao: Hải sản Cù lao Chàm mấy năm trước có bán vào đất liền, xuất khẩu cả cá hố. Còn bây giờ, tôm mực, cá mú, sò điệp về nhiều hơn nhưng vẫn không đủ phục vụ cho lượng du khách đến với đảo ngày càng đông.

Ngoài ra, ở đây có nhiều loại cây cảnh rất đẹp đã sống vài ba trăm năm với hình dạng lạ mắt. Bạn có thể gặp những cây tuế cao 2 - 3m mọc nhiều trên đảo Hòn Dài, hay bất ngờ với dáng vẻ kỳ lạ của cây vông nem đường kính tới 2m, có bạnh lớn. Thảm thực vật có độ bao phủ lớn chính là nơi cư trú của nhiều loại động vật.

Ở Cù lao Chàm, mỗi người dân - bất kể già trẻ lớn bé đều là đại sứ du lịch với nụ cười đôn hậu. Ai cũng có thể kể vanh vách cho du khách nghe vì sao san hô đã tái sinh, nở hoa ngay dưới chân cầu cảng và nhiều rạn đá quanh đảo, thu hút cá tôm từ khơi xa lũ lượt kéo về; vì sao mỗi tấc đất ngoài Biển Đông ở xã đảo tiền tiêu này đều là tài nguyên vô giá…

Buổi sáng ngày thứ 2 ở đảo, tôi đến thăm Bảo tàng Cù lao Chàm. Tuy nhỏ hẹp, nhưng Bảo tàng đã dành nguyên một mảng phòng để giới thiệu kỹ lưỡng về con cua đá, một trong những loại đặc sản nơi đây. Có lẽ phải bắt đầu từ việc UBND thành phố Hội An ban hành Chỉ thị 04 với nội dung “tạm thời ngừng khai thác, kinh doanh, tiêu thụ cua đá Cù lao Chàm để bảo vệ, khôi phục, tái tạo loài thủy sản này” từ hồi tháng 8-2009. Chứ trước đó, tình trạng săn bắt cua đá đến mức “tận diệt” đã xảy ra trên hòn đảo này. Nhưng nhờ quyết sự vào cuộc này, đến nay cua đá Cù lao Chàm được bảo vệ. Chị Bùi Tuyết Mai – một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi đi cũng nhiều nơi nhưng chưa từng thấy ở đâu, cua đá được bảo vệ, nâng niu bài bản đến như vậy”.

3 ngày ở Cù lao Chàm - 2

Thực ra, ra chợ trên đảo cũng có thể hỏi mua được cua đá. Tuy nhiên, theo lời một người bán hàng cho biết, chỉ những con cua đá đạt tiêu chuẩn quy định mới được bán ngoài chợ. Cua đá đạt tiêu chuẩn tức là đủ các điều kiện: chiều ngang mai cua không nhỏ hơn 7 cm, không mang trứng, không vượt quá số cua được phép đánh bắt được cộng đồng dân cư duyệt hàng tháng, mới được dán nhãn sinh thái lên mai, và đặc biệt phải được dán nhãn sinh thái. Những con cua nào không đủ tiêu chuẩn sẽ được phóng thích về “ngân hàng cua đá Cù lao Chàm” ở Hòn Tai và Hòn Mồ. Ai bán cua không dán nhãn sinh thái sẽ bị xứ lý với hành vi… bán cua bất hợp pháp. Tất cả những việc này được thực hiện bởi Tổ khai thác và bảo vệ cua đá Cù lao Chàm với chừng 20 thành viên. “Đặc sản này chủ yếu để phục vụ du khách, với giá cả khoảng 500.000 đồng/kg”, người bán hàng cho biết.

Một “đặc sản” khác của biển Cù lao Chàm đó là lặn biển san hô. Người dân Cù lao Chàm tự hào về việc mình đã gìn giữ được một hệ sinh thái độc đáo để du khách nếu thích có thể chiêm ngưỡng.

3 ngày ở Cù lao Chàm - 3

Chợ đảo họp gần cầu cảng bán đồ ăn dân dã
như mì Quảng, cao lầu, và hải sản tươi sống

3. Phải mất khá nhiều thời gian bạn mới khám phá hết 8 hòn đảo nhỏ của Cù lao Chàm, bởi mỗi nơi có mỗi điều kỳ thú khác nhau. Bước sang ngày thứ 3, Tuấn dẫn tôi đến chùa Hải Tạng - một ngôi cổ tự tọa lạc sát chân núi phía Tây của Đảo Hòn Lao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra một thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất của Cù lao Chàm. Bước vào ngôi chùa cổ trên hòn đảo ngoài khơi xa, cảm giác rất lạ. Nhưng sao lại tên chùa lại là Hải Tạng? Một người dân đi lễ chùa cắt nghĩa cho tôi biết: Hải là biển, Tạng là Tam tạng kinh điển, với ý nghĩa chùa là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông như biển cả. Chùa được xây dựng vào năm 1758 (năm Cảnh Hưng thứ 19), từ đó đến nay, chùa Hải Tạng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng và cũng là nơi thương thuyền các nước tín ngưỡng Phật giáo ghé vào hành lễ, cầu nguyện.

Ra với Cù lao Chàm, còn một điều tôi thắc mắc nữa đó là… nguồn nước ngọt. Giữa mênh mông nước biển mặn, người dân Cù lao Chàm lấy nước ngọt ở đâu?

Thấy tôi lại thắc mắc, Tuấn dẫn tôi đến xóm Cấm nằm tại ngã ba con đường bêtông của khu dân cư xóm Cấm, cách 500m về phía Đông Bắc là di tích Tiền Sa Huỳnh Bãi Ông, cách di tích khảo cổ Bãi Làng 300m về hướng Tây Nam. Ở đây có một chiếc Giếng cổ Chăm (còn gọi là Giếng xóm Cấm), đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2006.

3 ngày ở Cù lao Chàm - 4

Lặn biển ngắm san hô

Quan sát thì thấy giếng xóm Cấm có đường kính miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn”. Độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m. Mặc dù ở ngoài đảo xa, xung quanh nước mặn bao bọc, nhưng đây là giếng nước ngọt, quanh năm không bao giờ cạn nước, cho dù là vào mùa khô hạn. Khi chúng tôi đến, đã thấy có một đoàn khách du lịch đến xem giếng cổ này. Ai lấy đều bất ngờ. Một người dân lấy nước giếng về ăn còn bảo với chúng tôi: nước giếng xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù lao Chàm bị say sóng thì lấy nước giếng xóm Cấm nấu với lá rừng của Cù lao Chàm (chỉ người dân địa phương mới nhận biết và thường hái loại lá này) thì uống vào là hết say sóng.

3 ngày ở Cù lao Chàm không phải là dài nhưng đã cho tôi được sống với người dân cù lao, được đến những địa danh du lịch ngoài khơi xa. Đó là một chuyến đi đáng nhớ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 ngày ở Cù lao Chàm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO