4 năm thực hiện các Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng: khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài- Bài 2: Thu nhỏ một bộ phận không nhỏ

Hoàng Mai - Hoài Vũ 15/10/2019 08:00

Ngày 30/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết khẳng định sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này; bởi, vẫn còn có một bộ phận cán bộ đảng viên có diễn biến “tự chuyển hóa” tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng.

4 năm thực hiện các Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng: khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài- Bài 2: Thu nhỏ một bộ phận không nhỏ
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII đã mở đường cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa“.

Siết kiểm tra, giám sát, chống tham nhũng quyết liệt

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII khi ban hành đã thẳng thắn chỉ rõ: Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư khi tham dự Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát đảng năm 2016 (tháng 2/2017) đã nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người”; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhưng không thể không kỷ luật, xử một người để cứu muôn người.”

Có lẽ cũng chưa có nhiệm kỳ nào, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường và đạt kết quả khá toàn diện như nhiệm kỳ này. Kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 6/2019, các cấp ủy và chi bộ đã thi hành kỷ luật gần 800 tổ chức đảng và hơn 42.000 đảng viên bằng các hình thức, trong đó có hơn 9.300 cấp ủy viên các cấp, riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 4 tổ chức đảng, 28 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 11 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 4.300 cấp ủy viên các cấp.

Đáng chú ý là, trong số đảng viên bị kỷ luật có hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc).

Cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực được triển khai mạnh mẽ, đạt kết quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý; tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi. Hơn 2.200 cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng đã bị xử lý kỷ luật; đã đưa ra xét xử 44 vụ án tham nhũng lớn, phức tạp với hơn 500 bị cáo bằng những bản án nghiêm khắc, gồm: 3 án tử hình, 11 án chung thân, 5 bị cáo bị phạt tù 30 năm, 414 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; 15 bị cáo bị cải tạo không giam giữ và đã thu hồi hơn 27.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng tham nhũng vặt và “trên nóng, dưới lạnh”.

Tất nhiên, kết quả của 4 năm qua mới chỉ là bước đầu. Không ai muốn coi kỷ luật nhiều là một thành tích; nhưng rõ ràng, có xử lý, có kỷ luật thậm chí đưa ra xét xử công khai nhiều vụ án tham nhũng phức tạp càng khẳng định: Đảng ta quyết không dung dưỡng, không bao che cho các việc làm sai trái.

Đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go và không có hồi kết. Nếu không làm thường xuyên liên tục mà chỉ thực hiện theo kiểu “phong trào” thì kết quả sẽ không thể bền vững. PGS.TS Lê Quốc Lý- Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với Đại Đoàn Kết: “Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, toàn Đảng đã triển khai tích cực, mọi người đã thấm nhuần tốt quan điểm, nhất là tinh thần chống tham nhũng của Tổng Bí thư đã khơi dậy được quyết tâm mới. Từ đó trong Đảng đã có nhiều chuyển biến”.

Chống suy thoái đang làm rất tốt

Vào thời điểm ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Trung ương nhận định về cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI như sau: Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. “Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”- Nghị quyết nêu rõ.

Còn bây giờ thì sao? Vẫn PGS.TS Lê Quốc Lý nêu quan điểm: “Chống suy thoái hiện nay các nơi đang làm rất tốt, cơ bản đạt được những kết quả khả quan. Rất phấn khởi nếu cứ đà này chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả. Điểm nhấn trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chính là công tác chống tham nhũng, chống suy thoái, tự chuyển biến đã đạt được nhiều thành công, tạo chuyển biến tốt, niềm tin của nhân dân vào Đảng đã tăng lên. Như vụ GS Chu Hảo đã bị khai trừ khỏi Đảng cho thấy sự cương quyết lớn của Đảng”- PGS.TS Lê Quốc Lý nói.

Hiện toàn Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ban ngành và các học viện đã triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tinh thần chống “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về đạo đức lối sống đã được phổ biến trực tiếp, cụ thể tới từng chi bộ, đảng viên.

Trên thực tế, nhiều cách làm hay, bài bản, sáng tạo đã được thực hiện. Chẳng hạn như Đắk Nông, Trà Vinh, Hậu Giang với việc cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái trong Nghị quyết Trung ương 4 thành nhiều biểu hiện cụ thể hơn để dễ xác nhận, nhận diện, đánh giá.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng cho biết, các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch thực hiện, gắn với lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm, như: Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm, đoàn kết nội bộ, thái độ phục vụ nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngay tại Đồng Tháp, trong khi huyện Lai Vung yêu cầu nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết số 04-NQ/TW; thì thành phố Sa Đéc tập trung các vấn đề: Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa “hồng”, vừa “chuyên”… còn, huyện Tân Hồng tập trung vào các nội dung: Kỷ cương, trách nhiệm; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sửa đổi lối làm việc; nêu cao tinh thần trách nhiệm; gần dân, sát dân của người cán bộ, đảng viên.

Ở Bắc Ninh, theo như Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Công Hùng, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, bí thư cấp ủy gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, đi cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ của cấp ủy viên các cấp…đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định tư tưởng, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng xuyên tạc, gây kích động, chống phá chính quyền của các thế lực thù địch.

Đạt được những kết quả nêu trên là do, các tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện tốt Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, qua theo dõi, kiểm tra, quản lý của tổ chức đảng; đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh của đảng viên, quần chúng; kết quả thanh tra, giám sát, kiểm toán, điều tra của các cơ quan nhà nước; các kết luận sau kiểm tra, giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội cũng như phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông; cũng như những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì được yêu cầu nội dung kiểm điểm bằng văn bản, yêu cầu báo cáo giải trình.

PGS.TS. Lê Quốc Lý- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Nêu cao kỷ cương trong Đảng

“Thời gian tới Đảng phải nghiêm minh hơn nữa trong việc xử lý những cán bộ vi phạm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những ai tham nhũng nên có hình thức kỷ luật đích đáng, loại ra khỏi bộ máy và dứt khoát loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt cần tăng cường, phát huy vai trò sự nêu gương của người đứng đầu. Nếu tập thể bị hình thức cảnh cáo thì người đứng đầu phải bị cách chức, tức là nặng hơn thì mới nghiêm; chứ như hiện nay vẫn xuê xoa. Nhiều nơi, đơn vị vi phạm, tập thể đảng bộ bị kỷ luật cảnh cáo nhưng lãnh đạo vẫn bị hình thức kỷ luật nhẹ. Cần nêu cao kỷ cương kỷ luật trong Đảng và dứt khoát, minh bạch, rõ ràng hơn nữa để làm cho không ai có thể lọt tội, lúc đó Đảng mới thực sự mạnh”.

(Bài 3: Tinh gọn bộ máy: Bước tiến lớn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 năm thực hiện các Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng: khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài- Bài 2: Thu nhỏ một bộ phận không nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO