40 năm nhật ký Nguyên Hồng

GS PHONG LÊ 25/05/2022 07:58

Từ 1941 - năm ghi đầu tiên, đến 1982 những trang ghi cuối cùng trước ngày nhà văn đột ngột qua đời. Cả hai thời điểm đều quá xa đối với chúng ta hôm nay. Phải 36 năm sau ngày mất, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của Nguyên Hồng, vào tháng 11/2018 chúng ta mới được đọc, được tiếp xúc với nhật ký của ông. Để cùng với một sự nghiệp viết cũng trên 40 năm mà đưa Nguyên Hồng lên hàng đầu những người chọn lao động Viết làm nghề nghiệp; với đối tượng viết, cũng là đối tượng của yêu thương, chia sẻ, là “Những người khốn khổ” (một tên sách của V.Hugo), những người lam lũ, vất vả, cực nhọc trong mưu sinh. Cũng như chính Nguyên Hồng, trong thân phận những nhân vật của mình.

Gia đình nhà văn Nguyên Hồng đón những người bạn quý. Ảnh tư liệu.

Nhật ký ghi từ 1941, cũng có nghĩa là song hành với thiên hồi ký, hoặc tự truyện “Những ngày thơ ấu” in năm 1941 của Nguyên Hồng, ngay sau khi ra đời, đã nhận được lời khen, khó có gì có thể cao hơn của Thạch Lam, nhà văn sáng giá nhất của Tự lực văn đoàn, đó là “sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”.

Cũng như vậy, trước thiên hồi ký này 3 năm là tiểu thuyết “Bỉ vỏ” Nguyên Hồng viết ở tuổi 20, vừa ra đời đã nhận được Giải thưởng của Tự lực văn đoàn, Giải thưởng sang trọng nhất trên văn đàn Việt Nam trước 1945.

Rực rỡ ngay từ sáng tác đầu tay, cái tên Nguyên Hồng rồi sẽ cùng song hành với những tên tuổi sáng giá nhất trong dàn văn chương 1930 – 1945 như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân trước ông, và Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài sau ông.

Trong so sánh với những tên tuổi lẫy lừng này, Nguyên Hồng có nhiều khó khăn, vất vả, lam lũ hơn họ, và những ám ảnh về việc viết dường như cũng thường trực và da diết hơn họ. Sau "Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu", cùng với 9 tên sách khác, rồi sẽ đến với bạn đọc hai tập truyện "Địa ngục" và "Lò lửa", ra mắt đúng vào thời điểm 1945; một bên là “Địa ngục” với 2 triệu người dân Việt chết đói, và một bên là “Lò lửa” để có một cuộc đổi đời vĩ đại từ Tháng Tám – 1945.

Từ đây, với một mục tiêu rất cao, rất xa là bộ tiểu thuyết trường thiên 4 tập, trên 3.000 trang “Cửa biển”, thực hiện trong 15 năm, từ 1961 đến 1976, Nguyên Hồng sẽ không lúc nào rời cái cặp da căng phồng bản thảo để trả một món nợ lớn cho quê hương sống và viết của mình: Hải Phòng. Bộ sách ôm chứa biết bao là sự kiện, cũng biết bao là tình người trong khoảng rộng và trong chiều sâu của những số phận, nó cũng chính là một phần máu thịt của đời ông.

Và, cùng với tình người nói chung còn là tình gia đình, tình vợ chồng, anh em, cha con, bè bạn; nhất là bè bạn trong nghề nghiệp, số lớn đều là những tên tuổi hàng đầu trước 1945; với không gian Bắc Giang, quê hương người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, nơi có ngôi nhà tranh tre nứa lá của ông ở Ấp Cầu Đen, nơi ông “Đốc Hồng” chăm chút cho ngôi Trường Văn nghệ nhân dân của Hội Văn nghệ Việt Nam, và cũng là của ông; và Hà Nội, với cơ quan Hội Nhà văn, gia đình thứ hai của ông; tuần báo Văn, nơi ông là Thư ký Tòa soạn.

Rồi từ địa chỉ báo Văn, do vướng vào vụ Nhân văn mà gặp họa, ông sẽ dứt khoát đến quyết liệt dắt díu vợ con về lại Ấp Cầu Đen, để sống và viết, chấp nhận mọi vất vả, khó khăn cho đến khi qua đời.

Từng trang nhật ký theo cách sắp xếp của Thanh Thư, Nhã Nam, hai con gái của ông, cho ta một hình dung rõ nét về những chặng đường Nguyên Hồng đi cùng vợ con, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Cũng là cùng với thế giới nhân vật của ông, đó là Nhân dân, là Đất nước - “Đất nước yêu dấu”, như tên một tác phẩm của ông viết năm 1949.

Những trang nhật ký bám lấy Nguyên Hồng cho tận đến năm 1981 – 1982, trước khi ông qua đời rất nhanh, gần như không có gì chuẩn bị, do một cơn đột quỵ, nơi gian bếp ngôi nhà ở Ấp Cầu Đen.

"Nhật ký Nguyên Hồng" đã được hai con gái nhà văn tập hợp và NXB Trẻ xuất bản năm 2008.

36 năm sau, kể từ ngày ấy, cho đến năm 2018, trong lao động miệt mài đêm ngày của hai con gái – hai chị em Thanh Thư và Nhã Nam, người đọc chúng ta có một dịp may mắn, nhân 100 năm sinh mà gặp lại Nguyên Hồng trong vai người ghi nhật ký, tức là người không có bất cứ gì là rào chắn trong một thể hiện tuyệt đối, một trăm phần trăm, sự trung thực với mình, trung thực đến từng dấu chấm, dấu phẩy cho mỗi ý nghĩ, mỗi sự việc.

Còn tôi, là một người đọc chăm chỉ của thế kỷ XX, tôi vô cùng trân quý, và cảm động, đôi khi đã rớm nước mắt trên những trang quá may mắn mà còn giữ lại được của Nguyên Hồng. Đây là hạnh phúc lần thứ 2 tôi có, sau khi được đọc trên dưới 1.000 trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng – người bạn thân thiết của Nguyên Hồng, người được Nguyên Hồng tôn vinh là “Ông Tônxtôi Việt Nam”, ghi ròng rã liên tục trong 30 năm, từ 1930 đến 1960, trước đấy 12 năm, rút từ 40 cuốn sổ tay bà vợ còn giữ được nguyên vẹn, 56 năm sau ngày Nguyễn Huy Tưởng qua đời ở tuổi 49.

Hai bộ nhật ký của hai tên tuổi sáng giá trên đàn văn Việt thế kỷ XX, đó chính là pho sử trung thực về nhân dân, về đất nước, về con người; và về lao động nghề nghiệp của nhà văn ở xứ ta; cũng là về cả chúng ta, và cho chúng ta.

Ngày 2/3/1948. Tôi thấy tôi không còn muốn viết nữa. Một bước sa ngã mà chân tôi lấp ló đặt vào đã bắt đầu là phút này chăng? Nhưng không! Cuộc sống có những cái hàng ngày rất ma quỉ, nó lôi cuốn người ta đến lúc ngã sấp mặt xuống lúc nào mà không biết. Sỗng dễ quá, lười quá, hèn quá… Đâu mình có thấy mình? Ấy thế rồi chết!

Tôi rợn và nhục cho tôi. Sự ồn ào, hèn nhát của một lối sống nông nổi, ích kỷ thật đã cảm thấy hơn bao giờ hết và không thể nào còn được nữa. Cần gì phải viết vào lòng bàn tay một câu “nguyền” - Nhưng không! Cứ phải nguyền đi. Nguyền một cách dứt thịt mình ra, nếu không cắn răng lại mà nhìn sâu vào mình, vào sự thật.

Ngày 3/3/1948. Tôi đi thẳng về đến nhà. 40 cây số. Tôi ho nhiều hơn. Nhưng tôi đã thấy nhẹ cả lòng. Về đây tôi được viết. Những dòng chữ xanh ngắt chờ đời mực và giấy và sự bình tĩnh, đằm thắm.

Ngày 31/3/1948. Xuân Diệu đến chơi. Tôi lại phải bỏ giở viết. Các con bạn tôi và của tôi khóc quấy. Tôi lại phải xuống quán uống rượu.

Khổ vì viết quá! Sáng tác! Thật là rứt thịt mình ra.

Ngày 6/7/1949. Gặp Nguyễn Huy Tưởng. Tôi lại nói nhiều, để phân trần, nhưng rồi cả hai cười xòa với nhau. Ăn cơm ở Đại Từ. Tin 3 con Lưu Văn Lợi bị lao cả ba. Gặp Nguyễn Hồng Nghi và Bảy Hổ. Nguyễn Hồng Nghi cũng hả hê vì đã thu xếp ổn thỏa công việc gia đình. Tôi lại nghĩ đến sự học hành sắp tới của thằng Hà.

Ngày 5/8/1953. Hồng Chương cho tôi xem thư của Văn Cao. Văn Cao lại ho lại. Có lẽ bị khí quản. Văn Cao đi chỉnh huấn ở Trường Đảng. Anh có nhắc anh HC đến gần tôi và khuyên tôi đừng nghĩ nhiều về gia đình quá.

Tối nay tôi lại trằn trọc trước người đồng chí của tôi đang hấp hối! Anh bị cancer amidant, đau đớn khắp người.

Ngày 21/5/1954. Vào ăn cơm ở nhà cụ Thâm Tâm. Cụ càng gày yếu. Thằng Khoa ho và sốt. Cụ ao ước được gửi bản truy tặng của T.T về. Và sau này nếu thằng Khoa có đi Trung Quốc học, thì cụ nhờ người đèo xe về chơi với thằng Dũng, con Bích. Trần Đĩnh rất cảm động vì hình ảnh này. Một ông cụ ngoài 70 tuổi, hom hem, bé nhỏ, gần chết, chở trên xe đi chơi với con và kiên quyết theo kháng chiến.

Chiều chủ nhật 1/11/1964. Ăn cơm trưa ở nhà Đỗ Nhuận. Tối lại uống rượu với Trần Văn Tấn. Nguyễn Tuân đợi tôi. Tôi nhận việc tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất cụ Ngô Tất Tố. Sáng thứ ba tôi sang Lộc Hà với Kim Lân. Tối ăn cơm ở nhà Phan Kế An. Tôi say ngủ ở đây. Bữa ăn với Trần Văn Tấn càng làm tôi nao nức về viết. Đọc thơ Lý Bạch, Khuất Nguyên và những giai thoại về Tư Mã Thiên. Càng thấy cái cao quí và trách nhiệm của công việc tới đây làm sao tôi phải viết cho hay hơn tập “Sóng Gầm”.

Ngày 27/11/1967. Tôi đưa Kim Lân đọc “Cháu gái người mãi võ họ Hoa”. Chữa dấn bài thơ “Hà Bắc quê hương các con yêu thương” ở nhà Hanh. Tiếng xe pháo rít xé dưới đường. Tô Hoài chữa bài ở bàn Hứa, Kim Lân đọc bài ở bàn nước. Nguyễn Tuân xếp lại các mẩu giấy nhật ký cùng bàn với tôi. Hà Nội buổi chiều càng nhộn nhịp, nhưng cũng đường hoàng, tự tin, hào hùng một cách rất Hà Nội hơn. Tiếng Mích rung chuyển. Tiếng chuông xe đạp tíu tít. Tiếng chuông xích lô phanh phách. Tiếng guốc lách cách của các em bé. Hoa sữa rắc như cốm ở các gốc cây bờ hè…

Trích từ cuốn "Nhật ký Nguyên Hồng" (NXB Trẻ, 2018)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    40 năm nhật ký Nguyên Hồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO