6 chương trình hành động của ứng cử viên Đinh La Thăng

Thành Luân (lược ghi) 07/05/2016 18:37

Trong chương trình hành động của mình ƯCV Đinh La Thăng nhấn mạnh đến việc bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách tạo điều kiện cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát hoạt động của chính quyền...

6 chương trình hành động của ứng cử viên Đinh La Thăng

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 7/5, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, với tư cách là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đã công bố chính thức chương trình hành động của mình tại buổi tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử số 9, gồm 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Mở đầu chương trình hành động của mình, ứng cử viên (ƯCV) Đinh La Thăng đã đưa ra một số nhận định, góc nhìn của mình về đô thị TP HCM.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: hướng phát triển của thành phố ngoài việc phải duy trì và đẩy nhanh tốc độ phát triển mang tính bứt phá, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh, thành phố đang đặt mục tiêu trở thành một nơi có chất lượng sống vào loại hàng đầu khu vực, với các tiêu chí cụ thể theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

“Với cương vị hiện nay, trách nhiệm lãnh đạo nhân dân thành phố phấn đấu đạt được các mục tiêu đó thuộc về tập thể lãnh đạo thành phố mà trước hết thuộc về cá nhân tôi, với vai trò là người đứng đầu. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIV, được trực tiếp tham gia các chương trình lập pháp, thông qua các chương trình kinh tế, văn hóa, giáo dục… sẽ tạo thêm cho tôi những điều kiện thuận lợi để thực hiện vai trò, trách nhiệm đó với TP HCM” ƯCV Thăng khẳng định với cử tri.

Dưới đây, Báo Đại Đoàn Kết xin khái lược 6 chương trình hành động ứng cử đại biểu Quốc hội của ƯCV Đinh La Thăng, được công bố hôm nay:

1. Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri bằng nhiều kênh thông tin, dưới nhiều hình thức, dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và đưa tiếng nói của nhân dân đến Quốc hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.

2. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, thẩm tra những cơ sở pháp lý cũng như nhu cầu thực tiễn của thành phố để xây dựng cơ chế đặc thù nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đẩy mạnh liên kết Vùng. Tiếp tục kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho thành phố trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm đô thị đặc biệt; thiết lập cơ chế quản lý hiện đại của bộ máy hành chính phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân trên cơ sở công khai, minh bạch.

3. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bổ sung cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao sự đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng GRDP với mục tiêu là thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố với các nội dung cụ thể.

4. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính với tinh thần “vì dân hành động”, bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách tạo điều kiện cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát hoạt động của chính quyền; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước trong các quyết định về chính sách, quản lý, điều hành; quyết liệt phòng chống tham nhũng từ cơ chế kiểm soát; chống lãng phí, thất thoát tài sản công bằng việc công khai, minh bạch và bằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, trên cơ sở một nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, tận tụy với Nhân dân; chống mọi biểu hiện suy thoái đạo đức, diễn biến hòa bình.

5. Thúc đẩy hoàn thiện và phát triển dần năng lực cung ứng các dịch vụ công cho nhân dân, đảm bảo khả năng tiếp cận ngày càng tốt hơn của người dân đối với các dịch vụ cơ bản có chất lượng. Nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là đời sống của gia đình chính sách, người có công, người làm công ăn lương, bà con nông dân, những người nghèo, nhóm dân cư dễ bị tổn thương… để có kế hoạch chăm lo hiệu quả và công bằng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục ngày càng tốt hơn, loại trừ dần thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn của người dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội cho mọi thành phần dân cư đều có thể có thu nhập, tích trữ, đầu tư… với mục tiêu cuối cùng là mọi người đều được hưởng lợi từ sự phát triển, tìm thấy vai trò và vị trí của mình trong xã hội, không ai bị gạt ra ngoài cộng đồng.

6. Từ thực tiễn hoạt động, tích cực đúc rút kinh nghiệm, đóng góp, kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh để bất cứ chủ trương, chính sách nào được ban hành ra cũng có tính khả thi cao, tác động tích cực đến hoạt động kiếm sống, kinh doanh, học tập, mưu cầu hạnh phúc, hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin… của công dân và đảm bảo họ có thể thực hiện tất cả những quyền đã được quy định trong Hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Cùng với ông Đinh La Thăng, các ƯCV tại Đơn vị bầu cử số 9 tại hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, gồm có: Ông Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bà Ngô Thị Phương Lan, Phó hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM; Ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP; Bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 chương trình hành động của ứng cử viên Đinh La Thăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO