6 năm triển khai Luật Hộ tịch: Bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân

T.H 19/12/2022 07:30

Qua 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch đã đạt được những kết quả nổi bật. Trước hết, sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam.

Luật Hộ tịch ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các vụ việc liên quan đến đăng ký hộ khẩu, đăng ký kết hôn... Ảnh: TL.

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tại Hội nghị tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch, diễn ra sáng 18/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh việc ban hành Luật Hộ tịch là bước hoàn thiện căn bản về thể chế đăng ký và quản lý hộ tịch của Việt Nam với nhiều quy định mới, mang tính đột phá, tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phân cấp quản lý giải quyết việc hộ tịch của người dân.

Qua 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch đã đạt được những kết quả nổi bật. Trước hết, sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước đi vào nền nếp và chuyên nghiệp hơn. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã được củng cố, kiện toàn.

“Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị cho thấy, sau 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch, đến nay công dân Việt Nam có thể thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi qua đường bưu điện, hoặc thông qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai đăng ký khai sinh trực tuyến; 62 tỉnh, thành phố cho phép đăng ký khai tử trực tuyến; 62/63 tỉnh, thành phố có đăng ký kết hôn trực tuyến. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, giảm tải và thời gian cho đội ngũ cán bộ công chức.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, quá trình triển khai Luật Hộ tịch cho thấy còn có những tồn tại mà Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết, như việc triển khai xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp...

Một số ý kiến tại Hội nghị cũng cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác triển khai Luật hiện nay, Bộ Tư pháp cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã.

UBND các tỉnh, thành phố lập kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo việc thực hiện công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy, cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch…

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch tiếp tục được cải cách, tạo thuận lợi cho người dân. 63 tỉnh, thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; triển khai Đề án 06; đẩy mạnh cung cấp các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhất là 3 thủ tục thiết yếu: đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn. Việc số hóa sổ hộ tịch cũng đang được các địa phương chú trọng triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 năm triển khai Luật Hộ tịch: Bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO