6 nguyên tắc phòng, chống dịch trong tình hình mới

Đ.Trân - H.Vũ 24/09/2021 05:45

Ngày 23/9, kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh, các biện pháp chống dịch vẫn là khâu yếu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, khắc phục.

Có nơi còn chủ quan, mất cảnh giác

Thủ tướng nhấn mạnh, trên phạm vi cả nước, về cơ bản tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 tuần gần đây, số ca tử vong và mắc trong cộng đồng liên tiếp giảm. Nhiều tỉnh chuyển trạng thái theo các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn là khâu yếu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, khắc phục. Có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là tại một số địa phương bắt đầu nới lỏng sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. 6 nguyên tắc phải quán triệt để xây dựng hướng dẫn phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thiện và khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em. Thủ tục mua vaccine phải nhanh; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc đi học linh hoạt, những nơi an toàn, đã chuyển sang “vùng xanh” có thể đi học bình thường và có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng lưu ý, sự vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, không tập trung đông người. Chúng ta đã có những bài học xương máu. Vừa qua, ở một số địa phương, đêm Trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện Chỉ thị 15 như thế là không đúng, cần rút kinh nghiệm.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, toàn quốc ghi nhận tổng số liều vaccine đã được tiêm là 35.675.840 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 28.745.680 liều, tiêm mũi 2 là 6.930.160 liều.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, vaccine là công cụ để phòng, chống hữu hiệu Covid-19 cũng như các bệnh khác do virus gây ra.

Cùng với giải pháp 5K hiện tại mà Bộ Y tế đưa ra, cùng với các nghiên cứu khoa học tìm ra các biện pháp chữa trị Covid-19 thì vaccine là giải pháp đảm bảo được việc phòng bệnh chủ động. Chỉ khi nào tiêm chủng đạt được miễn dịch cộng đồng thì người dân mới được bảo vệ khỏi Covid-19, sớm được trở lại cuộc sống như ở các quốc gia đã đạt được độ tiêm chủng cao.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trưởng điểm tiêm vaccine Covid-19 của bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận xét: Hiện nay, sau một thời gian tiêm chủng mọi người đã yên tâm đi tiêm hơn rất nhiểu. Trước đây, nhiều người thuộc đối tượng được tiêm vaccine nhưng không tiêm do có bệnh nền. Theo BS Thanh, nỗi sợ của mọi người là phản ứng của vaccine. Phản ứng của vaccine gồm phản ứng tức thì (phản ứng phản vệ) và phản ứng sau tiêm.

“Phản ứng phản vệ thì cơ thể mỗi người khác nhau. Sau tiêm hay uống bất cứ một loại thuốc hay vitamin cũng cũng có thể gây phản vệ, do vậy tiêm vaccine cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tỷ lệ sốc phản vệ do tiêm vaccine rất thấp, ở các điểm tiêm cũng có các loại thuốc để xử lý cấp cứu kịp thời và các đội cấp cứu ngay sau đó. Còn lại là phản ứng sau khi đưa vaccine vào cơ thể, kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể, nhận diện tạo ra kháng thể cho cơ thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Có thể có phản ứng đau tức nhẹ tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, hơi đau đầu nhưng rất nhẹ trong vòng 24-48 giờ là hết. Sau tiêm uống nhiều nước, tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, uống thuốc hạ sốt nếu bị sốt. Không đắp bất cứ thứ gì lên chỗ tiêm vì có thể gây nhiễm khuẩn vết tiêm” - BS Thanh lý giải đồng thời chia sẻ: Các vaccine phòng Covid-19 được đưa vào tiêm chủng đều là những vaccine được Tổ chức Y tế thế giới kiểm duyệt và cho phép sử dụng khẩn cấp để đối phó với Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 nguyên tắc phòng, chống dịch trong tình hình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO