6 vở diễn ăn giải 'Vàng' tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021

Hoàng Minh 18/01/2022 10:03

Sau 15 ngày tranh tài sôi nổi, tối ngày 17/1, Lễ Bế mạc và trao giải Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 đã được tổ chức tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh).

Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh tổ chức trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Với tinh thần linh hoạt, thích ứng trong điều kiện bình thường mới, vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn, vừa đáp ứng được tiêu chí thực hiện một kỳ Liên hoan trang trọng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và sự ủng hộ của giới chuyên môn.

Trao chứng nhận cho Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan.

Với 20 đơn vị sân khấu tại TP Hồ Chí Minh với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ, diễn viên tham dự. Khán giả yêu mến sân khấu kịch nói tại TP Hồ Chí Minh đã có dịp thưởng thức những tác phẩm xuất sắc ghi dấu ấn của các đơn vị nghệ thuật thông qua hình thức thể hiện và đề tài phong phú, được đánh giá là đã thực sự đi vào đời sống, có sự đóng góp mới trong tiến trình phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong 15 ngày diễn ra Liên hoan, hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên của 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp TP Hồ Chí Minh đã phô diễn tài năng của mình qua 26 vở diễn tại Liên hoan lần này.

Thêm một lần nữa, chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình Kịch nói, tạo nên liều vắc - xin tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trao các giải thưởng Tác giả, Đạo diễn, Nhạc sĩ, Họa sĩ xuất sắc nhất Liên hoan.

Thứ trưởng cũng biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã dành sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn nên đưa tới Liên hoan nhiều vở diễn có chất lượng. Bên cạnh đó, cũng thấy rõ sự chênh lệch về trình độ chuyên môn giữa những diễn viên được đào tạo bài bản, chính qui với những diễn viên chỉ được học ở các trung tâm hoặc chưa qua một lớp đào tạo nào. Việc này đồi hỏi Ban Tổ chức cần có Quy chế phù hợp để đảm bảo và nâng cao tính chuyên nghiệp cho các cuộc Liên hoan lần sau.

Đánh giá tổng kết Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chia sẻ, 20 đơn vị tham gia với 26 vở diễn, Liên hoan Kịch nói lần này cho thấy nỗ lực rất lớn của sân khấu phía Nam, cho thấy lòng yêu nghề của nhiều thế hệ diễn viên khao khát, tìm tòi, sáng tạo cho dù đang trong cơn đại dịch Covid-19 hoành hành.

Nhiều tác phẩm kịch đã đến với khán giả TP Hồ Chí Minh và sự tán thưởng của họ lại được biểu lộ nồng nhiệt trong thời gian các cuộc thi tài diễn ra trong nhiều không gian khác nhau. Những tràng pháo tay vang lên sau các vở diễn biểu lộ sự hoan hỉ của công chúng đã khẳng định một điều “Sân khấu đến với khán giả và được đón nhận”.

Trao giải cho các nghệ sĩ, diễn viên giành Huy chương Vàng.

Tuy nhiên, theo NSND Trần Minh Ngọc, bên cạnh những tác phẩm được đầu tư đủ để tạo nên hình thù của tác phẩm còn có một số tác phẩm được đầu tư cao nhằm tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ cao trong trang trí, phục trang, râu tóc… Rất lạ nhưng không mất đi tính dân tộc.

Đó là cách làm của “Khóc giữa trời xanh”, “Thành Thăng Long thuở ấy” một biểu hiện của tình yêu nghệ thuật và sự trân trọng với kịch lịch sử. Có được sự thay đổi không gian trong khoảnh khắc, có được sự phối hợp giữa diễn xuất hiện đại với biểu hiện trình thức truyền thống tuồng là nhờ vào các ứng dụng màn hình, ánh sáng xử lý đạo diễn đã tạo được cảm xúc, đã tả được cuộc đời của nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai trong “Câu hò đất mẹ”.

Ngoài các đề tài lịch sử có lẽ sở trường của sân khấu phía Nam cũng nghiêng về miêu tả các số phận người yếu thế, nghèo về vật chất nhưng rất giàu có về tình cảm, sẵn sàng sẻ chia đối với người yếu thế, nghèo khổ. Nhiều câu chuyện cảm động như “Thành phố tình yêu”, “Sự sống”, “Lạc giữa biển người”, “Sài Gòn có một ngã tư”.

Có một thực tại ở những thành phố lớn mà sân khấu không tránh né là miêu tả cuộc sống ngầm, cuộc sống của tội ác làm khổ lụy nhiều phận người nhất là những cô gái nghèo “Ngã rẽ” là một tác phẩm có khuynh hướng mô tả như vậy. “Chuyện làng”, “Lá diêu bông”, “Khúc nguyệt cầm” là những cách kể rất khác nhau nhưng đều hướng tới các đặc tính tốt của con người.

Đặc biệt, tiếng cười trên sân khấu cũng được các sân khấu xã hội hóa quan tâm bởi tiếng cười rất được khán giả ưa thích. Tiếng cười ấy không đơn thuần chỉ để giải trí, mua vui…mà còn được dùng để làm cho khán giả cười nhưng đau về thế sự. Nếu “Bao giờ mẹ lấy chồng” có tính giải trí cao với vẻ trẻ trung thì tiếng cười trong “Nắng chiều”, “Mưa bóng mây” lại hàm chứa nỗi buồn…

Các vở diễn được trao Huy chương Đồng.

Kết quả, Hội đồng nghệ thuật Liên hoan đã trao Huy chương Vàng dành cho 6 tác phẩm xuất sắc nhất là "Mưa bóng mây"; "Bao giờ mẹ lấy chồng"; "Câu hò đất mẹ"; "Khóc giữa trời xanh"; "Thành Thăng Long thuở ấy"; "Thành phố tình yêu". Huy chương bạc được trao cho 5 vở diễn và Huy chương Đồng trao cho 8 vở diễn.

Về Giải cá nhân, Ban tổ chức đã trao tặng 40 Huy chương Vàng đa phần đã thuộc về những nghệ sĩ quen mặt với khán giả như: Việt Hương, Hoài Linh, Lê Giang, Lê Lộc, Võ Tấn Phát, Nam Thư, Puka, Ngọc Trinh… cùng với 46 Huy chương Bạc và 19 Huy chương Đồng.

Ngoài ra, Liên hoan còn ghi nhận các thành phần sáng tạo với các giải thưởng Tác giả xuất sắc; Đạo diễn xuất sắc; Nhạc sĩ xuất sắc và Họa sĩ xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 vở diễn ăn giải 'Vàng' tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO