66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020): Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Phan Quang Vũ 07/05/2020 07:00

Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ 20. Chiến thắng ấy cũng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. 66 năm đã qua đi, tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ càng thêm rực rỡ.

66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020): Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

1. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.

Tính đến tháng 3/1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm 4 tiểu đoàn, 2 đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy.

Đầu tháng 3/1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở 3 đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.

Đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, viết nên trang sử chói lọi, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương. Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020): Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu - 1

Những đoàn dân công vận chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ.

2. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 66 năm trước là chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam; của đường lối nghệ thuật chiến tranh quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ. Trong chiến thắng ấy, có sự đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc. Sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với Chiến dịch Điện Biên Phủ là hình ảnh đẹp, trong sáng của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc miền xuôi và miền ngược tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.

Để đến được Điện Biên Phủ, người dân cùng bộ đội đã phải xẻ núi để mở đường cho những đoàn quân vào trận, nhất là có đường để kéo pháo. Biết bao gian nan, mồ hôi và máu đã đổ xuống. Trên 2 con đường số 41 và số 13- hai tuyến đường chính dẫn ra mặt trận- đã in dấu tinh thần lao động quên mình của đồng bào Tây Bắc cùng với bộ đội Trung đoàn công binh 151 và hàng ngàn thanh niên xung phong; để xẻ núi, làm cầu, kè ngầm… trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Tây Bắc với mưa dài, nắng gắt và sự kiểm soát, bắn phá liên tục của các loại máy bay địch. Những địa danh: đèo Lũng Lô, đèo Puốc, đèo Pha Đin, đèo Mèo... là những chuỗi thử thách đối với các lực lượng tham gia chiến dịch mà tiên phong là lực lượng làm đường mở tuyến. Từ đó hình thành nên những tuyến đường giữa điệp trùng rừng núi, những “con đường đồng bào”, “đường nhân dân”.

Điện Biên Phủ là nơi xa hậu phương lớn. Để tiến hành chiến dịch, khó khăn rất lớn là vấn đề cung cấp. Nhưng, lửa đạn, gian khổ không ngăn được bước tiến của các đoàn dân công, các đoàn vận tải ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược đến Điện Biên Phủ cho bộ đội đánh giặc. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc vừa là những người tham gia chuyển hàng, vừa là những giao liên thành thạo, luôn có mặt và đi đầu trong các đoàn người ra mặt trận. Chưa hết, đồng bào các dân tộc sống dọc sông Đà, sông Nậm Na- các chi lưu của đầu nguồn sông Mã và các sông suối đã có sự đóng góp cho thắng lợi của chiến dịch theo cách riêng của mình. Trên tuyến đường thủy này nhiều bà con đã hiến những con thuyền, những chiếc bè vốn là tài sản duy nhất, là phương tiện, là nguồn sống của gia đình mà không ngại ngần tính toán. Và với những kinh nghiệm lướt ghềnh, vượt thác, bà con đã góp phần không nhỏ để đưa hàng vạn tấn lương thực, đạn dược, súng pháo vượt qua mọi trắc trở, cập bến an toàn.

Bên cạnh đó, nhân dân Tây Bắc còn chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, từng bữa ăn. Nhiều gia đình đã đóng góp cho cuộc chiến đấu chồng mình, con mình. Trong số những người ấy, có người ra đi đã không bao giờ trở lại…

66 năm trôi qua, Điện Biên Phủ giờ đây đã trở thành một điểm sáng vùng cao. Cánh đồng Mường Thanh lúa vượt lên xanh tốt. Nhà mới đã thay cho lô-cốt. Người dân Điện Biên cùng đồng bào Tây Bắc bước vào thời kỳ mới, thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất.

Hôm nay, về lại chiến trường xưa, không còn tiếng bom khói súng, nhưng hình ảnh lẫm liệt của hàng chục vạn đồng bào chiến sĩ quên mình vì trận quyết chiến chiến lược năm nào thì vẫn mãi còn đó: Uy nghi và rạng rỡ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020): Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO