7 cuốn sách đặc biệt của các cây bút đương đại nổi tiếng

T.P 09/10/2022 07:52

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập chi nhánh tại Hà Nội, NXB Trẻ vừa ra mắt bạn đọc bộ sách đặc biệt của các cây bút nổi tiếng ở khu vức phía Bắc. Theo đó, 7 cuốn sách bao gồm: “Tướng về hưu và những truyện khác” (Nguyễn Huy Thiệp), “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Bến không chồng” (Dương Hướng), “Cơ hội của Chúa” (Nguyễn Việt Hà), “Người đi vắng” (Nguyễn Bình Phương), “Vắng mặt” (Đỗ Phấn), “Những đứa con rải rác trên đường” (Hồ Anh Thái).

Bộ sách gồm 7 cuốn các nhà văn nổi tiếng vừa ra mắt.

Trong số này, 6 nhà văn con đang sung sức trên văn đàn, riêng chỉ có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mất. Tuy nhiên, cuốn “Tướng về hưu và những truyện khác” đã phác họa khá trọn vẹn chân dung một cây viết truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại với những chặng đường sáng tác mà ông đã đi qua. Đọc Nguyễn Huy Thiệp là đến với những “bài học nông thôn”, những “huyền thoại phố phường”, những tiếng “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”...

“Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã được chuyển ngữ ra 18 thứ tiếng và xuất bản tại 22 nước trên thế giới. Tác phẩm đã nhận nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Trong vai trò chuyển tải thông điệp, “Nỗi buồn chiến tranh” là một tiểu thuyết giá trị. Trôi dạt giữa thời gian và không gian, chuyển dịch nhuần nhuyễn giữa những ký ức của những ngày tháng trước chiến tranh với những mô tả về các trận đánh, cuốn tiểu thuyết mang trong mình sự bình yên và nỗi đau buồn, chất thơ của văn học lãng mạn, sự sâu sắc của văn học hiện thực.

“Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng là một lựa chọn xứng đáng nếu căn cứ vào tiêu chí của những người làm sách. Tác phẩm đạt giải Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1991 và được dịch ra nhiều thứ tiếng. GS Phong Lê nhận xét: “Bến không chồng” có một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ - một ngôn từ không lấp lánh tài hoa mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, “Bến không chồng” là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi.

“Vắng mặt” là tiểu thuyết đầu tay của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn. Vốn sống lịch lãm và sức viết dồi dào của ông đã ghi dấu ấn đậm nét trong mảng đề tài về Hà Nội, từ tản văn cho đến truyện ngắn, tiểu thuyết của Đỗ Phấn.

“Những đứa con rải rác trên đường” của nhà văn Hồ Anh Thái đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng. Đây là một tiểu thuyết cấu thành từ 3 truyện dài. Một lối viết hiện thực chen lẫn huyền ảo đã là phong cách của Hồ Anh Thái hơn chục năm nay, vậy mà vẫn có thể đọc liền một mạch và khó thể rời. Tác giả đã gói gọn nhiều sự kiện của từng thời vào trong một câu chuyện.

“Cơ hội của Chúa” của nhà văn Nguyễn Việt Hà và “Người đi vắng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng cho thấy những dấu ấn văn chương của mỗi tác giả. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương: “Viết tức là trình ra một thế giới khác, nhưng từ thế giới này và có ích với thế giới này. Tôi quan sát, tôi trải nghiệm và tôi nghĩ về nó, tôi thấy nó là thế này chứ không phải là thế kia, tôi thấy trái tim đập dưới gót chân người ta chứ không phải ở lồng ngực và ý nghĩ nhìn thế giới chứ không phải đôi mắt nhìn thế giới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    7 cuốn sách đặc biệt của các cây bút đương đại nổi tiếng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO