8 nhóm giải pháp phát triển Bảo tàng Mặt trận giai đoạn 2021 – 2030

Tiến Đạt 20/10/2022 18:20

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề án khoa học cấp bộ “Định hướng giải pháp xây dựng và phát triển Bảo tàng MTTQ Việt Nam giai đoạn 2021-2030”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tóm tắt kết quả của Đề án, Ths. Chu Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án cho biết, Đề án được triển khai trong 18 tháng (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 9/2022), Ban Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu Đề án đã tổ chức nghiên cứu các tài liệu liên quan, khảo sát một số bảo tàng lớn ở Hà Nội và một số địa phương, khảo sát hoạt động, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ của Bảo tàng MTTQ Việt Nam.

Các sản phẩm chính của Đề án gồm: Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt, bản Đề xuất kiến nghị, Kỷ yếu chuyên đề. Một phần kết quả nghiên cứu của Đề án đã được công bố trong 2 bài báo khoa học: “Tái hiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất tại Bảo tàng MTTQ Việt Nam - Những yêu cầu đặt ra” trong Tạp chí Mặt trận, số 217, tháng 9/2021 và “Xây dựng bản sắc Bảo tàng MTTQ Việt Nam” trong Tạp chí Mặt trận, số 221+222 (1+2/2022).

Ths. Chu Văn Khánh, Chủ nhiệm Đề án báo cáo tóm tắt kết quả của Đề án tại Hội nghị.

Theo Ths. Chu Văn Khánh, Đề án đã xác định định hướng lớn đến năm 2030, Bảo tàng MTTQ Việt Nam trở thành một bảo tàng ngành hiện đại, có sứ mệnh nâng cao nhận thức của công chúng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc tổ chức phát huy các di sản, hiện vật về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xã hội đương đại; có quy mô phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động; có nhà trưng bày và hệ thống trưng bày đặc sắc, cơ chế và phương pháp quản lý hiệu quả; đội ngũ cán bộ tinh gọn, chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của công chúng.

Từ định hướng chung và định hướng cụ thể, Đề án đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về định hướng phát triển Bảo tàng MTTQ Việt Nam đến năm 2030; Xác định nội dung trưng bày; Xây dựng nhà bảo tàng và không gian bảo tàng; Nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng; Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tàng; Huy động các nguồn lực xã hội; Tăng cường nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu xây dựng và phát triển Bảo tàng; Kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ của Bảo tàng.

Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến phản biện tại Hội nghị.

Trong đó, giải pháp nâng cấp Bảo tàng thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam có ý nghĩa đột phá, không chỉ nâng vị thế của Bảo tàng từ cấp phòng lên cấp vụ, mà còn là cơ sở để mở rộng và đổi mới nội dung, chuyên môn hóa các hoạt động bảo tàng, tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác.

Tại Hội nghị, thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao nội dung nghiên cứu của Đề án; đồng thời khẳng định, nhóm tác giả Đề án đã xây dựng được các quan điểm và đề xuất các nhóm giải pháp khả thi nhằm xây dựng và phát triển Bảo tàng MTTQ Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, trên cơ sở nghiên cứu khoa học, thực tiễn gắn với lý luận và khảo sát thực tế, đề án đã hệ thống hóa được những vấn đề lý thuyết cơ bản về bảo tàng; xây dựng, phát triển bảo tàng và làm cơ sở để triển khai, đánh giá thực trạng và đề ra các định hướng giải pháp phát triển bảo tàng.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, nhóm nghiên cứu đã bám sát yêu cầu của Đảng đoàn, Ban Thường trực và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu của Đề án, từ đó đề ra giải pháp để xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam thuộc loại hình lịch sử - xã hội và xác định, định hướng lớn đến năm 2030, Bảo tàng MTTQ Việt Nam trở thành một bảo tàng ngành hiện đại, có sứ mệnh nâng cao nhận thức của công chúng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giải pháp cho nội dung này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thông qua việc tổ chức phát huy các di sản, hiện vật về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xã hội đương đại; có quy mô phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động; có nhà trưng bày và hệ thống trưng bày đặc sắc, cơ chế và phương pháp quản lý hiệu quả; đội ngũ cán bộ tinh gọn, chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của công chúng, nhất là nhu cầu thông tin của cán bộ MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng phản biện, tiếp tục chỉnh sửa để Đề án và gắn với cơ sở thực tiễn để góp phần vào hoàn thiện các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển bảo tàng MTTQ Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá Đề án đạt loại xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    8 nhóm giải pháp phát triển Bảo tàng Mặt trận giai đoạn 2021 – 2030

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO