8 nhóm nội dung góp ý, phản biện của MTTQ Việt Nam đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Vũ Mạnh 15/09/2022 09:42

Sáng ngày 15/9, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị.

Báo cáo tóm tắt các ý kiến gửi đến hội nghị phản biện xã hội và định hướng các nội dung phản biện, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo luật đã được Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công chuẩn bị, tinh thần luôn cầu thị, tiếp thu, lắng nghe.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực báo cáo tóm tắt các ý kiến gửi đến Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính. Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần quy định rõ hơn.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, các nhóm nội dung góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tập trung vào một số nội dung như: tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa Luật Đất đai với các quy định khác của pháp luật.

Từ nội dung này, các ý kiến đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào Nghị định, đặc biệt là chế độ pháp lý của các loại đất (đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đất bãi thải, xử lý chất thải; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; bảo quản lưu trữ tro cốt...); Rà soát lại đất công sử dụng không đúng mục đích; đất lấn biển đấu giá hay giao cho chủ đầu tư, khi thu hồi thì bồi thường thế nào. Khi trình dự thảo luật cần thiết phải có dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết đi kèm. Áp dụng nguyên tắc một luật sửa nhiều luật.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trong đó, cần bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể là cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội được giao quyền sử dụng đất với trách nhiệm là người sử dụng tài sản công. Phân định với quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Điều 53 Hiến pháp.

Đối với việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến đề nghị cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quy định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ý kiến đại biểu kiến nghị Điều 46 quy định cụ thể hơn về phương thức, cách thức tham vấn ý kiến người dân, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân, trường hợp phải lấy phiếu đến từng hộ dân, phương án giải quyết khi đa số hộ dân không đồng tình. Đề nghị quy định về việc người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp (hoặc lấy phiếu) đến từng hộ gia đình, hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.

Đối với nội dung hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch giảm khiếu kiện, các ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng; bồi thường theo giá thị trường và xác định rõ nguồn gốc đất; Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất: rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Trong một dự án chỉ áp dụng một hình thức thu hồi đất.

Ý kiến đại biểu cũng góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; Quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo; Các ý kiến về bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    8 nhóm nội dung góp ý, phản biện của MTTQ Việt Nam đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO