LTS: Qua 90 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Hướng tới Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020), kể từ số báo này, Đại Đoàn Kết mở chuyên mục “90 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc
90 năm qua sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, hoàn cảnh. Tự hào với truyền thống, ở giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi người Mặt trận tận tụy hơn với công việc, bám sát hơn với phong trào để khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử hào hùng
Một sáng kiến lớn, đồng thời là một cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta cho dân tộc ta, cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới là việc đề xướng thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam vào ngày 18/11/1930.
Trong suốt quá trình đó, đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình. Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Sứ mệnh của tổ chức Mặt trận trong mọi thời điểm là đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người được phân công làm công tác Dân vận - Mặt trận, muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người.
“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ; ta phải nhận rằng: đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Lòng khoan dung đại độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lôi cuốn được biết bao nhân sĩ, trí thức, địa chủ, công thương gia, các nhà tư sản dân tộc, Việt kiều, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc đến với Người và theo Người tiến hành kháng chiến chống từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược cho đến ngày toàn thắng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm qua, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận vẫn luôn là mái nhà chung, khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trách nhiệm lớn lao
Tất cả những mục tiêu lớn lao ấy, đều được người Mặt trận bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhưng rất cụ thể từ mỗi cộng đồng dân cư, thông qua những cuộc vận động, phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo”…
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là người đã có 50 năm gắn bó với công tác Mặt trận, và vì vậy, điều ông luôn nhắc tới trong sứ mệnh của người làm Mặt trận hiện nay, không chỉ nêu cao sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc để thực hiện các mục tiêu chung của đất nước mà còn phải lắng nghe nhân dân nói, đi thẳng vào những vấn đề nhân dân mong mỏi.
90 năm Mặt trận cũng là dịp người Mặt trận bước vào nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là một giai đoạn mới của người làm công tác Mặt trận đầy tự hào nhưng cũng vô cùng thách thức.
Giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận tương ứng, có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Nhưng thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời nào cũng vậy, khối đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Điều quan trọng là mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.
Mặt trận đã dấn thân trong vai trò là người giám sát, phản biện, hội tụ sức mạnh của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí… để cùng góp sức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Mặt trận dấn thân trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Thông qua những cách làm, việc làm cụ thể, đích đến cuối cùng của Mặt trận là kêu gọi từng người dân trong nước và ở nước ngoài chung tay, một lòng góp sức chiến đấu với dịch bệnh.
Trong bão lũ, Mặt trận lại đứng lên kêu gọi người Việt Nam chung tay với đồng bào mang tấm lòng của những người bạn, những đứa con xa quê mong mỏi được trở về, sẻ chia gian khó và xoa dịu những nỗi đau.
Đó chính là những hình ảnh tiêu biểu nhất để Việt Nam trở thành biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết trước những thử thách và gian khó.
Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi lực cản. Và để kết nối, nhân lên tinh thần đoàn kết ấy, hơn lúc nào hết, MTTQ Việt Nam, với sứ mệnh 90 năm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình trong giai đoạn gian khó này.
Như ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẳng định: “MTTQ Việt Nam tiếp tục xác định vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc phát huy sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức”.