Ai đang thao túng giá vàng?

T.Hằng 01/08/2022 06:45

Giá vàng thương hiệu SJC vẫn chênh với giá vàng thế giới từ 17 – 20 triệu đồng/ lượng. Trong khi nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà kinh doanh cho rằng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã hết “sứ mệnh lịch sử”, cần phải điều chỉnh thì Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định nghị định này phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với giá thế giới. Ảnh: Quang Vinh

Doanh nghiệp vàng được hưởng lợi?

Thị trường vàng trong nước đang lấy lại đà tăng theo giá vàng thế giới. Hiện nay các Công ty kinh doanh vàng bạc đang giao dịch giá vàng SJC quanh mức 65,5 – 66,5 triệu đồng lượng (chiều mua vào - bán ra). Trong khi đó, vàng thế giới quy đổi theo giá USD có giá 47,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 17,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Theo các chuyên gia, thị trường vàng trong nước đang bộc lộ nhiều bất cập khi mà cùng là vàng vật chất, nhưng vàng thương hiệu SJC cao hơn vàng các thương hiệu khác từ 5 -8 triệu đồng/ lượng, và giá vàng SJC đang bỏ xa giá vàng thế giới. Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ, có giải pháp ổn định thị trường vàng. Nhiều chuyên gia cũng như một số đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề: Giá vàng miếng SJC chênh giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng thì ai là người hưởng lợi? Có hay không việc doanh nghiệp thao túng đẩy giá vàng?

Tại cuộc họp mới đây liên quan đến thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra số series cho đến khâu nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Vấn đề chênh lệch giá vàng, SJC hoàn toàn không có lợi. Công ty tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN. Từ khi được giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ-gần 400 tỷ đồng/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ đồng lãi ròng.

Về giá vàng trên thị trường, bà Hằng cho biết, SJC không thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Giá vàng được các công ty tham chiếu với giá thế giới, sau đó tùy theo cung - cầu thực tế của thị trường sẽ ra giá niêm yết. Không đơn vị nào có thể tự định giá trên thị trường.

Nghị định 24 - nên sửa đổi hay không?

Theo quan điểm của Hiệp hội vàng Việt Nam, sau gần 10 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và có một số đạo luật mới về đầu tư, hiện Nghị định 24 đã không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của Chính phủ. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam từng kiến nghị một số nội dung, đề nghị NHNN trình Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng: NHNN sẽ không sản xuất vàng miếng và cũng không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty Doji cho rằng, Nghị định 24 đến giờ vẫn chưa hết vai trò lịch sử. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng mà còn tạo ra hành lang pháp lý trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức. Theo ông Phú, trong 10 năm, Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả, thị trường vàng đang khá ổn định nên mong muốn NHNN xem xét thật kỹ vấn đề sửa đổi Nghị định 24.

Còn theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, trước đây, việc găm giữ vàng, USD trong nền kinh tế là rất lớn, hầu hết các hộ gia định đều có vàng. Với việc triển khai thực hiện theo Nghị định 24, một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào nền kinh tế.

Trong khi đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Đối với câu hỏi chênh lệch giá SJC vào túi ai? Bà Hồng Khẳng định, không một doanh nghiệp nào hưởng chênh lệch đó. Nếu người dân chọn mua vàng SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán được giá cao hơn. Ngoài ra, theo bà Hồng, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể đẩy mức chênh lệch lớn đến như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai đang thao túng giá vàng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO