Ai được ưu tiên tiêm trước vaccine mũi thứ 3?

H.Vũ (thực hiện) 29/11/2021 06:30

Trong tuần này, các địa phương phải lập kế hoạch, rà soát nhu cầu vaccine trong năm 2022, trong đó có nhu cầu tiêm vaccine mũi 3 ngừa Covid-19 gửi về Bộ Y tế. Vấn đề đang được đặt ra là đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm trước mũi thứ 3? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, ngoài lực lượng tuyến đầu, cần ưu tiên cho người có nguy cơ cao, người cao tuổi, có bệnh lý nền.

PV: Thưa ông, theo kế hoạch, cuối tháng 11 này, các địa phương phải gửi kế hoạch, rà soát nhu cầu vaccine trong năm 2022, trong đó có nhu cầu tiêm vaccine mũi 3 gửi về Bộ Y tế. Theo ông đối tượng nào nên được ưu tiên tiêm trước mũi vaccine thứ 3?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Hiện Bộ Y tế đã có kế hoạch, chuẩn bị trước cho tiêm vaccine mũi bổ sung (mũi thứ 3). Đây là vấn đề cần thiết. Trước mắt theo tôi nên tiêm cho những người trong lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao, người cao tuổi, có bệnh lý nền. Sau đó mới tiêm cho các đối tượng khác. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý những người tiêm mũi thứ 3 phải đủ thời gian sau 6 tháng so với tiêm mũi vaccine thứ 2. Do đó trước mắt các địa phương cứ hoàn thành kế hoạch tiêm. Những nơi nào chưa đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 thì cần tập trung tiêm đủ; đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cũng như tiêm cho trẻ em. Sau đó mới tính đến tiêm mũi 3. Nhưng trước mắt cần có kế hoạch để chủ động về vaccine, cũng như thời gian cấp phát vaccine.

Thế giới khuyến cáo, sau hơn 3 tháng, hiệu lực của vaccine bắt đầu giảm đi. Vậy với những người tiêm vaccine đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 3 đến nay cũng đã qua 8 tháng, hiệu quả vaccine đã giảm nhiều. Vậy họ có nằm trong diện ưu tiên không, thưa ông?

- Theo một số báo cáo trên thế giới, sau 4 - 6 tháng trở đi, hiệu lực của vaccine sẽ giảm. Cho nên trước mắt các tỉnh cần có đánh giá về hiệu quả phòng bệnh sau tiêm. Từ đó, lập kế hoạch, danh sách để tiêm mũi 3. Như vậy, bên cạnh lực lượng tuyến đầu thì nên ưu tiên tiêm mũi 3 cho người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền. Song việc tiêm mũi 3 cần căn cứ vào kế hoạch của Bộ Y tế, vì còn phải cân đối khả năng cung cấp vaccine.

Đặc biệt cần lưu ý, tiêm cho nhóm đối tượng có “nguy cơ cao” cần gắn với địa bàn có “nguy cơ cao”. Hai yếu tố này phải đi song hành với nhau. Bởi người có nguy cơ cao là nằm trong vùng dịch và địa bàn có nguy cơ cao là hay xảy ra dịch. Đơn cử các bệnh viện, những nơi tập trung đông công nhân lao động, người trong chuỗi lao động phải đi lại nhiều, thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ như lái xe, shipper… và các địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… có ca nhiễm tăng thì cần ưu tiên tiêm trước. Còn các địa phương nguy cơ thấp thì tiêm sau. Tỉnh chưa có dịch, hoặc dịch có nguy cơ thấp, dù đã hoàn thành tiêm mũi 2 cũng chưa cần tiêm ngay mũi 3.

Thưa ông, hiện tại các địa phương đang tiêm cho trẻ từ 15-17 tuổi, sau đó mới đến 12-15 tuổi. Nếu tiến hành tiêm mũi thứ 3 làm sao để tránh tình trạng quá tải cũng như nguy cơ lây nhiễm trong quá trình tiêm vaccine?

- Điều này tùy thuộc vào tình hình mỗi địa phương. Các địa phương phải linh hoạt. Với địa bàn nguy cơ thì phải tiến hành song song 2 việc: Vừa tiêm cho trẻ, vừa tiêm mũi 3. Việc này cũng phụ thuộc vào địa bàn tiêm chủng và có vaccine hay không? Chưa kể vaccine về nhiều song cũng cần đúng thời điểm và loại vaccine. Trẻ em cần được tiêm vaccine Pfizer theo cấp phép của Bộ Y tế, còn tiêm mũi 3 là nhiều loại vaccine. Do đó, các địa phương cần căn cứ theo kế hoạch của Bộ Y tế. Vì kế hoạch gắn với đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên.

Hiện các ca bệnh đang tăng khá nhanh. Những ngày gần đây cả nước tiếp tục ghi nhận hơn 10.000 người nhiễm/ngày. Gần đây, việc tiêm vaccine Verocell đã xảy ra trường hợp tử vong. Vậy trong quá trình tiêm mũi 3, ông có lưu ý gì?

- Đầu tiên chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 1, mũi 2. Tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần phải đảm bảo 2 mũi thật nhanh. Các nước họ tiêm đối tượng người già, người có bệnh nền đầu tiên. Hiện các ca bệnh đang tăng trong những ngày gần đây. Do đó cần phải phân tích đối tượng nhiễm đã tiêm vaccine như thế nào? Bị nhiễm ra sao… Cần so sánh giữa đối tượng đã tiêm vaccine với đối tượng chưa tiêm vaccine. Bởi thực tế là tiêm vaccine rồi nhưng vẫn bị nhiễm. Hiện số ca đang tăng lên song vấn đề không nằm ở số ca tăng mà quan trọng là có nhiều ca nặng hay không? Có nhập viện và tử vong nhiều hay không? Có bị quá tải hệ thống y tế không - đó mới là điều quan trọng.

Còn về vấn đề tiêm chủng, tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam đều tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc tiêm chủng là vô cùng cần thiết. Việc tử vong do tiêm vaccine phải chờ kết luận của cơ quan chuyên môn, hội đồng đánh giá phản ứng sau tiêm. Nguyên nhân chúng ta phải chờ kết quả. Các nước trên thế giới tiêm hàng triệu mũi vaccine Verocell. Cho nên người dân cứ yên tâm, không vì thế mà bỏ hay lơ là với việc tiêm chủng ngừa Covid-19.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai được ưu tiên tiêm trước vaccine mũi thứ 3?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO