Ai là người gỡ nút thắt nhân sự?

Nam Việt 14/09/2020 07:39

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

 Một minh họa cho thấy việc sắp xếp, tinh giản đội ngũ không thể thực hiện một cách máy móc.
Một minh họa cho thấy việc sắp xếp, tinh giản đội ngũ không thể thực hiện một cách máy móc.

Nghị định 106 được kỳ vọng sẽ tinh giản bộ máy, là hành lang pháp lý để từng đơn vị sự nghiệp công lập chủ động xây dựng bộ máy của mình một cách hợp lý, hiệu quả - vấn đề từ rất lâu rồi vẫn được coi là “nút thắt nhân sự” dẫn tới xuất hiện các “nút thắt” khác. Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng, Nghị định mới này cũng không phải là cây đũa thần để có thể giải quyết rốt ráo chuyện vị trí công việc cho từng đơn vị cụ thể.

Theo Nghị định 106, việc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập. Bảo đảm một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm.

Nghị định cũng nêu rõ 3 căn cứ xác định số lượng người làm việc bao gồm: 1/ Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập. 2/ Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin. 3/ Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.

Trên thực tế, “bài toán nhân sự” luôn được đặt ra nhưng không phải nơi nào, lúc nào cũng giải quyết được, chưa nói sau nhiều lần kêu gọi và quyết tâm tinh giản đội ngũ thì bộ máy lại phình to ra. Những con số nơi này nơi khác nói đã tinh giản được ngần này ngần nọ xem chừng thiếu thuyết phục do bộ máy vẫn không tinh gọn và nhất là hoạt động vẫn kém hiệu quả.

Suy cho cùng, tinh giản hay không tinh giản, kể cả đưa thêm người vào bộ máy đi chăng nữa thì đích cuối cùng vẫn là hiệu quả công việc. Biên chế phình to thì vừa lãng phí lao động, khó nuôi nhau; nhưng nếu biên chế rút gọn kịch liệt đi cùng với giảm được quỹ lương nhưng công việc ách tắc, kém sút thì cũng chẳng để làm gì.

Vì thế, đành rằng có Nghị định hướng dẫn, quy định vị trí việc làm và số lượng người làm việc là rất tốt và rất cần, nhưng xin được nhắc lại đây là lĩnh vực con người, nên khi áp dụng và giải quyết không hề đơn giản. Đã có một thực tế là tưởng chừng gỡ được nút thắt nhân lực nhưng gỡ rối lại làm rối thêm. Lý do chính là do người đứng đầu đơn vị cùng với tập thể lãnh đạo không công tâm, thiếu khách quan và cũng thiếu cả tầm nhìn. Như người ta vẫn nói, đang yên đang lành lại khuấy lên, dẫn tới mất đoàn kết nội bộ, kiện tụng triền miên.

Tất nhiên điều đó chỉ vì vấp ở những nơi mà lãnh đạo đơn vị hành xử không trong sáng, thiếu năng lực quản trị. Có khi lại mượn cớ thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy để trừng trị những người không ăn cánh bất kể người đó đang làm việc tốt. Vì thế, nếu xác định nhân sự đang là nút thắt ngáng cản phát triển thì quan trọng hơn là ai sẽ gỡ nút thắt đó. Nếu người đó là lãnh đạo có tâm, có tầm, khách quan trong sáng vì sự phát triển thì quá tốt. Nhưng ngược lại, rơi vào lãnh đạo ác tâm, thiếu tầm, lại không trong sáng thì thật tai họa.

Trở lại vấn đề, ở thời điểm này, xác định vị trí việc làm đi cùng với xác định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề rất quan trọng. Mà cũng vì tính chất quan trọng ấy nên càng cần có thái độ hành xử đúng đắn, khách quan, với tầm nhìn xa cho từng đơn vị. Đó không phải là lý thuyết mà là rất thực tế, vì chỉ sai lầm một chút thôi sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài. Đặc biệt là dù vô tình hay cố ý đẩy người có năng lực ra khỏi bộ máy thì cũng đều đưa đến hậu quả.

Cho nên, trong việc này, phát huy và trao quyền tự chủ cho từng đơn vị là rất cần thiết. Hơn ai hết họ biết phải làm gì để phát triển đơn vị mình. Nói tóm lại là lãnh đạo ở đơn vị ấy phải có quyền tổ chức bộ máy của mình, không thể máy móc áp dụng một quy định chung có tính phổ quát mà lại có độ vênh lớn ở một đơn vị cụ thể. Vì suy cho cùng, Nghị định là chủ trương còn triển khai nó cần rất cụ thể, rất thực tế thì mới thành công.

Cho nên mới nói, xác định được vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì đòi hỏi người “gỡ nút thắt” phải dám chịu trách nhiệm, có tâm và có tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai là người gỡ nút thắt nhân sự?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO