Ai ‘sốt’ mặc ai…

An Hà 03/05/2021 06:39

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, sau khi có dư luận về tình trạng sốt đất, Tổng cục đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng sốt đất. Trong đó có yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt.

Rất nhiều địa phương trong cả nước “sốt” đất.

“Ở đây có bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản. Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn”, ông Phấn nói.

Như vậy có thể hiểu rằng trước đó do quản lý lỏng lẻo nên đất mới “sốt”.

Suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, rất nhiều địa phương trong cả nước “sốt” đất. Những nơi đang dự tính “xin” làm sân bay giá đất lên vù vù. Những nơi “nghe nói” có dự án xây dựng khu đô thị, giá đất cũng nhảy múa. Những nơi chỉ cần thấy bóng công nhân đo đạc đến, thế là nghĩ ngay tới mở đường, nắn đường, giá đất cũng lập tức “thủng trần”.

Thôi thì dẫu sao những nơi như vậy tình trang “sốt” đất còn có thể hiểu được phần nào, nhưng ở những địa phương “vùng sâu vùng xa” đất cũng “sốt” thì phải nói là chuyện lạ.

Có lẽ đó là phải ứng dây chuyền, thấy người ta “lên” thì mình cũng lên. Cò đất đi khắp chốn cùng nơi “tạo sóng”, khiến người người bỗng chốc… tham gia thị trường bất động sản. Ruộng bán, vườn bán, có người còn cắt cả đất trong sân đem đi bán. Nhiều người chạy đôn chạy đáo vay mượn, vay tiền cả tín dụng đen để “ôm” đất. Thế rồi khi cơn sốt hạ nhiệt, người thì mất đất, kẻ thì mất tiền, buồn lo không sao kể xiết.

Quản lý lỏng lẻo - điều đó phải hiểu từ chỗ cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Trận “sốt” đất lần này kéo dài 4,5 tháng chứ có ít ỏi gì đâu mà bảo không biết; hoặc là thiếu thời gian để… tìm giải pháp. Nói như đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai thì đến nay đã nhận được một số báo cáo của các địa phương về tình trạng “sốt” đất và đang tổng hợp để phân tích nguyên nhân. Tổng cục này cũng đã có kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại 26 địa phương trên cả nước.

Cứ đủng đỉnh như vậy thì ai dám chắc sau trận “sốt” này sẽ không có trận “sốt” khác?

Chỉ khổ người dân không hiểu gì về những chiêu trò của dân bất động sản, thấy giá đất lên vù vù thì bán gấp, mua gấp. Để rồi không có cách gì hóa giải mối hận trong lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai ‘sốt’ mặc ai…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO