Ám ảnh lạm phát

Thanh Đức 15/03/2022 08:34

Tại châu Âu, áp lực lạm phát liên tục gia tăng trong những tháng gần đây và được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn do cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, không chỉ châu Âu mà nhiều quốc gia khác cũng phải đối diện với lạm phát, trong đó có Mỹ.

Người dân Mỹ xếp hàng mua xăng.

Phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, họ đã gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các số liệu công bố cho thấy, trong tháng 2, tỷ lệ lạm phát tại Đức đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ lạm phát tại Italy tăng tới 5,7%.

"Trong điều kiện hiện nay sẽ là thiếu thận trọng nếu đưa ra các chính sách trước khi tình hình cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine trở nên rõ ràng hơn. Nguy cơ lạm phát cao trở nên dai dẳng hơn đã gia tăng"- ông Fabio Panetta, Thành viên Ủy ban điều hànhECB, nói.

Các ước tính ban đầu từ ECB cho thấy, xung đột có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của khối trong năm nay yếu hơn từ 0,3 - 0,4 điểm %. Giới đầu tư tin rằng, nếu tình hình không sớm được cải thiện, ECB sẽ phải lùi thời hạn tăng lãi suất sang năm 2023 để bảo vệ nền kinh tế.

Trong khi đó, giới chuyên gia dự báo, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đạt mức tăng nhanh kỷ lục - 5,6%.

Chi phí năng lượng tăng đột biến là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng tốc của lạm phát tại các nền kinh tế hàng đầu châu Âu. "Sẽ còn tiếp tục có những sự xáo trộn trên thị trường năng lượng, điều này là dễ hiểu. Giá cả sẽ tăng lên và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng"- ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá.

Tại Bỉ, đã mấy tuần qua người dân phàn nàn khi phải chi tiêu sinh hoạt dè sẻn vì giá nhiên liệu lại tăng, lần đầu tiên giá mỗi lít dầu diesel đã xấp xỉ 2,1 euro, tăng 40% so với năm ngoái. Một người dân nói: "Tiền mà tôi kiếm được chẳng bù được đà tăng giá nhiên liệu".

Giá xăng tăng kéo theo giá lương thực thực phẩm leo thang. Bà Christine - một công dân Bỉ nói: "Tôi vẫn mua bánh mỳ, thịt ở các tiệm thường mua, còn pho mát và sữa chua thì tôi chọn mua những gói lớn ở siêu thị thay vì mua ít một để có giá rẻ hơn".

Cho dù tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nhưng lạm phát thì đã rất gần. Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Italy, chính quyền đã kêu gọi người dân không tích trữ hàng thiết yếu như dầu ăn. “Trong vòng 10 năm nay, chúng tôi mới thấy hiện tượng này” - Merine Fandfo, một phụ nữ làm nội trợ ở Venice (Italy) nói một cách lo lắng.

Bên kia bờ Đại Tây dương, nước Mỹ cũng rơi vào tình huống tương tự. Những tuần qua, giá xăng tăng mạnh đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của người dân Mỹ, đặc biệt là những người mưu sinh bằng nghề vận tải. Theo dữ liệu của Hiệp hội ô tô Mỹ, giá bán lẻ xăng bình quân trên toàn quốc hoàn toàn có thể leo từ 4,5 USD/1 gallon lên 7 USD/1 gallon, nếu như tình hình không được cải thiện khi nguồn cung bị đe dọa.

Ông Joe - bang New York cho biết: "Ngày hôm qua xăng có giá 4,15 USD, hôm nay đã là 4,29 USD. Nếu bạn làm một phép toán, giá xăng đã tăng hơn 10 xu chỉ trong vài giờ. Không có vẻ gì là xăng đang đi xuống mà ngày càng tăng lên".

Hiện nay, Mỹ đang là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Về cơ bản, giá xăng ở quốc gia này vẫn rẻ hơn khá nhiều so với một số quốc gia châu Á hay châu Âu vốn phải nhập khẩu ròng xăng và dầu mỏ. Tuy nhiên, giá xăng cao như hiện nay cũng là hiện tượng hiếm thấy với người dân Mỹ. Theo khảo sát, lạm phát và giá xăng dầu đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ vào thời điểm này.

Giá xăng dầu tăng cao tiếp tục ảnh hưởng tới ngân sách của người tiêu dùng Mỹ và gây thêm áp lực lên lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Theo các chuyên gia, nếu giá dầu duy trì ở mức khoảng 100 USD/thùng, chi phí năng lượng của các gia đình Mỹ có thể tăng trung bình 750 USD so với năm ngoái.

Báo cáo mới công bố của Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho thấy, lạm phát của quốc gia này đã tăng lên mức 5,2% trong tháng 1. Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ lại công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2022 đã tăng tới mức 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá nhiều loại mặt hàng, đặc biệt là xăng tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là những người mưu sinh bằng nghề vận tải.

Chưa hết, vẫn theo Bộ Lao động Mỹ, có thể nước này sẽ phải chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua, nếu như “cuộc chiến xăng dầu” không hạ nhiệt. Nhìn tổng thể so với năm 2021, giá năng lượng tăng 27% và giá thực phẩm tăng 7%.

“Trong ngắn hạn, người tiêu dùng Mỹ còn phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang từ các mặt hàng thiết yếu, đồ nội thất, dịch vụ y tế, đặc biệt là chi phí nhà và tiền thuê nhà tăng cao”- đại diện Bộ Lao động Mỹ nói.

Cho dù tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nhưng lạm phát thì đã rất gần. Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Italy, chính quyền đã kêu gọi người dân không tích trữ hàng thiết yếu như dầu ăn. “Trong vòng 10 năm nay, chúng tôi mới thấy hiện tượng này” - Merine Fandfo, một phụ nữ nội trợ ở Venice (Italy) nói một cách lo lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO