Ám ảnh mùa đông

Thanh Đức 21/09/2021 07:15

Thực tế chỉ ra rằng, virus SARS-CoV-2 phát triển rất mạnh vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp. Trong khi mùa đông đang đến gần thì cũng là lúc nhiều quốc gia Âu-Mỹ “mở cửa”. Điều đó dấy lên sự lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới mà hậu quả là khó có thể biết trước.

Cuối tháng 7/2021, tại Anh, người dân đã “trở về với tự do” khi các biện pháp y tế bắt buộc phòng, chống Covid-19 được gỡ bỏ. Tuy nhiên, khi mùa đông đang đến, một mùa đông được dự báo là khắc nghiệt do sự cực đoan của thời tiết, đã lại phải tính đến các biện pháp giãn cách xã hội, khẩu trang, chứng nhận y tế…

Không thể nói trước

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố hai kế hoạch chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở mức cao, khoảng 30.000 ca mỗi ngày (tính trung bình trong 3 tuần của tháng 9/2021). Theo cây bút chuyên về sức khỏe, Claire Digiacomi, thì để ngăn nguy cơ bệnh viện lại quá tải vào mùa đông này, thủ tướng Boris Johnson muốn “đặt cược” vào vaccine. Đây là “kế hoạch A”. Vì thế, nước Anh sẽ tiêm nhắc lại liều 3 cho người trên 50 tuổi, người có sức khỏe yếu và bắt đầu tiêm chủng cho thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.

Còn với “kế hoạch B”, bao gồm các biện pháp dự phòng trong trường hợp tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, ví dụ sử dụng chứng nhận y tế để được vào sàn nhảy hoặc phòng hòa nhạc.

Nói tóm lại, Chính phủ muốn nhắc lại với người dân Anh rằng virus SARS-CoV-2 vẫn lan rộng, dù vaccine giảm được nguy cơ bệnh trở nặng. Tuy nhiên, khi mùa đông đến thì tình hình là “không thể nói trước”.

Tương tự, các quốc gia châu Âu cũng đang hồi hộp đợi mùa đông đến. Cho dù hầu hết các quốc gia khu vực này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 70% dân số. “Chúng tôi không muốn lại bị phong tỏa, lại phải bị nhốt trong nhà. Như vậy đã quá đủ rồi” - Viviene Caree, sinh viên mỹ thuật đang theo học tại Lyon (Pháp) nói.

Năm 2020, khi mùa thu sắp trôi qua và mùa đông gõ cửa, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động rằng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3, bất chấp những biện pháp hạn chế mạnh mẽ.

Vào thời điểm đó, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu - Tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo tình hình là “rất nghiêm trọng”. Còn Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu - Tiến sĩ Dorit Nitzan thì cho rằng châu Âu đã quá lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh. “Mùa đông lạnh giá sẽ làm gia tăng Covid-19, đó là điều chắc chắn. Lúc đó hệ thống bệnh viện của chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải kéo dài” - Tiến sĩ Dorit nói.

Năm nay, những cảnh báo đó lại gióng lên, bất chấp châu Âu đã “bao phủ” vaccine.

Cảnh giác trước nguy cơ “dịch chồng dịch”

Tính toán của WHO thì số ca mắc mới tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng từ giữa tháng 7 khi trời dịu mát và sẽ còn gia tăng khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông. Trong khi đó, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca mắc mới đã tăng lên, tuy số người phải nhập viện ít và số ca tử vong do Covid-19 cũng rất ít. Tuy nhiên, theo đại diện của ECDC, thì “châu Âu đừng vội quên mùa đông năm trước, khi mà cùng với màu trắng lạnh của tuyết là những chiếc xe cứu thương sơn trắng nối đuôi nhau im lìm trước cửa các bệnh viện”.

Giới chuyên gia y tế cho rằng, nếu không có các biện pháp cần thiết ngay từ bây giờ thì châu Âu sẽ “lệch nhịp”. Điều đó có thể hiểu là dù đã “bao phủ” vaccine thì vẫn cần những biện pháp y tế khác, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng. Một nghiên cứu cho thấy, trong số những ca mắc mới đa số là những người chưa tiêm vaccine và nằm trong độ tuổi từ 25-49 tuổi. Tiến sĩ Kluge - chuyên gia WHO bày tỏ lo ngại trước tình trạng này và khuyến cáo dừng các hoạt động tụ tập, tiệc tùng quy mô lớn.

Trong khi đó, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Mark Woolhouse ở Đại học Edinburgh cho rằng các quốc gia sẽ không áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ như lần trước vì kinh nghiệm đã chỉ ra đây không phải là giải pháp cho vấn đề. “Khó có thể tái áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ vì cái giá kinh tế của biện pháp này quá đắt đỏ, nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp phòng ngừa tích cực hơn khi ở thời điểm virus dễ sinh sôi” - vị chuyên gia lên tiếng.

Thời điểm nhiều quốc gia Âu - Mỹ bị virus tấn công mạnh nhất là vào tháng 10, tháng 11. Cố vấn y tế cấp cao của nước Anh Patrick Vallance cũng cho rằng, lúc đó tình hình sẽ khó khăn. Không loại trừ trong những tháng mùa đông sẽ xảy ra thực trạng “dịch chồng dịch”, có nghĩa là dịch Covid-19 và dịch cúm mùa. Chung quan điểm, Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides cũng cho rằng “rõ ràng là mối nguy này đang ở rất gần chúng ta”. Mùa Đông vốn là mùa sinh sôi của các loại virus gây bệnh hô hấp, như cúm mùa, các nguy cơ càng gia tăng với nhóm người lớn tuổi và những người có bệnh lý kinh niên.

Tuy nhiên, giới khoa học Âu - Mỹ cho rằng, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học sau gần 2 năm đối phó với Covid-19. Vì thế, việc “mở cửa để tiến về phía trước” là không thể đảo ngược. Cái giá của “tự do” là phải chấp nhận rủi ro, nhưng đó là sự rủi ro có thể được kiểm soát.

Ông Hans Kluge kêu gọi mỗi người hãy tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề từ chính bản thân mình, bằng cách nâng cao ý thức cảnh giác, tuân thủ các quy định phòng dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, bởi “cộng đồng đã học được cách sống chung với đại dịch”.

“Một khi chúng ta bước vào mùa lạnh cùng cúm mùa, khi mà một số triệu chứng rất chung chung và giống với Covid-19 như sốt và ho trở nên phổ biến hơn, vấn đề cũng sẽ trở nên phức tạp hơn” - bà Julie Fischer, nhân viên của Tổ chức phi lợi nhuận CRDF Global, nói. Trong khi đó đại diện tổ chức sức khỏe và an toàn thực phẩm châu Âu lại cho rằng, chúng ta đã sẵn sàng chờ đợi mùa đông tới, và nó sẽ không lặp lại mùa đông năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh mùa đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO