Chuyện tình tà áo xanh

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 16/12/2018 08:00

Vào lúc 19h hôm nay (16/12), đêm nhạc “Chuyện tình tà áo xanh” được tổ chức tại “Ơ Kìa Hà Nội”- số 39, ngách 39, ngõ 639 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Đêm nhạc được tổ chức nhân cuốn “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của nhà văn Nguyễn Trương Quý vừa ra mắt không chỉ mang đến những bản tình ca nổi tiếng của Đoàn Chuẩn - Từ Linh mà nhiều câu chuyện về âm nhạc gắn liền với sự giải trí của thị dân Hà Nội một thời cũng được chia sẻ. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Chuyện tình tà áo xanh

Từ Linh (bên trái) và Đoàn Chuẩn cuối những năm 1980 Ảnh tư liệu.

PV: Chọn Đoàn Chuẩn- một nhạc sĩ mà khi sinh thời công bố không nhiều tác phẩm, làm nhân vật trung tâm cuốn sách, hẳn anh có lý do?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Đúng vậy. Có nhiều lý do khiến tôi lựa chọn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng những câu chuyện liên quan đến ông để thực hiện cuốn du khảo “Một thời Hà Nội hát” (NXB Trẻ). Song điều quan trọng khiến tôi nhìn thấy qua câu chuyện của Đoàn Chuẩn trong thời điểm bản lề 1954-1956 là sự chuyển hóa của một đô thị thuộc địa sang thủ đô một chính thể mới. Cuộc đời sáng tác và hoạt động âm nhạc của Đoàn Chuẩn vào giai đoạn ngắn này có lẽ là sôi động nhất, gắn với khung cảnh đổi thay của Hà Nội.

Đoàn Chuẩn vô tình là người cuối cùng sáng tác theo xu hướng lãng mạn của tân nhạc ở miền Bắc, và chính ông cũng là chủ rạp Đại Đồng, nơi duy trì các buổi biểu diễn âm nhạc với nhiều bài hát lãng mạn vẫn được biểu diễn xen kẽ các bài hát mới. Những sự biến động cả về âm nhạc lẫn tình cảm của Đoàn Chuẩn dường như là tấm gương phản chiếu mạch văn nghệ và tâm tình người Hà Nội giai đoạn ấy.

Việc xây dựng huyền thoại Đoàn Chuẩn cho một đô thị như Hà Nội diễn ra như thế nào? Và đâu là “ngoại truyện” về Đoàn Chuẩn khiến anh muốn xác thực?

-Trong sách tôi đã dành hẳn một phần để phân tích sự hình thành huyền thoại này với tên gọi “Huyền thoại Hà Nội hào hoa đã mất và huyền thoại người yêu lý tưởng”. Nói ngắn gọn thì đây là một sự hình thành tất yếu ở mọi đô thị có đời sống văn hóa giải trí sôi động. Những đô thị này luôn có năng lượng dục vọng tạo huyền thoại, làm cho những quan hệ sống có sự quyến rũ, hấp dẫn con người ta hơn. Nếu không có những huyền thoại này thì Hà Nội sẽ chỉ giống một thành phố toàn những khu đô thị mới tẻ nhạt giống nhau cả loạt.

Đoàn Chuẩn vô hình trung hội tụ những điều bí ẩn về những thứ ngoại truyện luôn cuốn hút người đời sau: nguyên mẫu những người tình cho những bài hát của ông, những vấn đề về văn bản chính xác của các bản nhạc, mối quan hệ trong sáng tác và đời sống với Từ Linh. Mỗi một xác thực đều kéo theo một câu hỏi để ngỏ. Tôi đã gặp nguyên mẫu của vài bài hát của Đoàn Chuẩn, những chuyện đã qua vẫn là điều khó nói dù đã hơn 60 năm rồi.

Vậy khi đi sâu vào Đoàn Chuẩn - ở cả khía cạnh âm nhạc và đời sống gia đình, điều anh bất ngờ nhất là gì?

-Bất ngờ có lẽ là đến hơn nửa sáng tác được phổ biến của ông viết sau ngày Hà Nội được tiếp quản, trong đó có những ca khúc rất nổi tiếng như “Lá đổ muôn chiều”, “Tà áo xanh”, “Gửi người em gái miền Nam”…

Bất ngờ nữa là cho đến năm 1954, dường như Đoàn Chuẩn - Từ Linh không phải là một cái tên phổ biến trong làng giải trí và truyền thông. Một vài tác phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh chỉ được xuất bản ở một nhà xuất bản ở Hải Phòng do hãng Vạn Vân của gia đình Đoàn Chuẩn đứng ra in số lượng hạn chế vào năm 1953, trong khi không có nhà xuất bản nào ở Hà Nội lúc đó in nhạc của ông cả. Các bản nhạc được thịnh hành chủ yếu in ở các nhà xuất bản ở Sài Gòn như An Phú, Tinh Hoa hay Trưng Vương, phần nhiều chỉ tập trung sau khi đất nước chia cắt.

Trên báo chí Hà Nội trước 1954, cái tên Đoàn Chuẩn gần như không xuất hiện, còn trong danh sách các buổi ca nhạc trên đài phát thanh Hà Nội giai đoạn tạm chiếm thì tôi chưa thấy bằng chứng có bài hát của Đoàn Chuẩn được biểu diễn. Phải ghi nhận rằng, chính đời sống âm nhạc Sài Gòn đã nuôi dưỡng một ký ức về Hà Nội xa mờ, cùng nỗi hoài niệm của những người di cư đã làm cho những bài hát này có sức sống vượt thời gian.

Thêm nữa là việc Đoàn Chuẩn không lập ngôn, không có những luận thuyết chính thức về sáng tác, cho dù ông gây ảnh hưởng lên nhiều thế hệ sau, nhất là các nhạc sĩ ở miền Nam sau 1954. Mặc dù ông sở hữu rạp Đại Đồng (46 Hàng Cót) có sân khấu ca nhạc nhưng lại không công bố bài hát nào của mình tại đây. Điều này khiến cho ông vừa có vẻ tài tử, người dạo chơi qua khu vườn tân nhạc, lại dường như không mấy bận tâm đến việc quảng bá tác phẩm của mình một cách chuyên nghiệp hoặc có tính thương mại.

Chuyện tình tà áo xanh - 1

Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: Nick M.

Thế còn ở khía cạnh gia đình?

-Về mặt gia đình, cũng là điều tế nhị khi phải bàn đến chất liệu thực của những bài ca Đoàn Chuẩn là những mối tình ngoài hôn nhân, mà dĩ nhiên đều là những mối tình tan vỡ, không đi đến đâu. Sự bất ngờ có lẽ nằm ở sự êm thuận của gia đình, với sự đảm đang của bà Nguyễn Thị Xuyên, người bạn đời cùng tuổi với Đoàn Chuẩn. Trong khi người bạn sáng tác chung được coi như một người em là Từ Linh, lại có một người con ngoài giá thú. Mối quan hệ giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh cũng là một điều đáng nói, phản ánh một quan niệm tri âm tri kỷ của một thời mà người bạn tri kỷ quyết định cả sự nghiệp.

Anh vừa nhắc tới mối quan hệ giữa nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và người bạn tri kỷ của ông, người thường đứng tên chung trên các bản nhạc: Từ Linh. Con trai ông Từ Linh là nhà nhiếp ảnh Hà Thạch An từng nêu quan điểm: “Có Đoàn Chuẩn thì mới có Từ Linh và không có Từ Linh thì cũng không có một Đoàn Chuẩn nhạc sĩ”. Anh bình luận ý kiến này thế nào?

-Tôi cho rằng điều này có cơ sở, bởi xét từ mối thâm tình của Đoàn Chuẩn dành cho Từ Linh, ta có thể thấy vai trò người đồng hành trong nghệ thuật vô cùng quan trọng. Cho dù khó mà chỉ rạch ròi tỉ lệ hay mức độ tham gia câu chữ hay nét nhạc, vẫn phải thấy đó là một sự hun đúc tên tuổi chung. Từ Linh thực ra đến với âm nhạc từ rất sớm, ngay từ năm 11 tuổi ông cùng với anh trai mình đã là thành viên ban nhạc Học Sinh do nhạc sĩ Đặng Thế Phong tổ chức. Hẳn ông đã có một sức hấp dẫn của một Tử Kỳ để Đoàn Chuẩn vốn chơi với người anh trai, đã kết thân trọn đời với người em như một Bá Nha tìm được người hiểu tiếng đàn của mình.

Cắt một lát thông qua ký ức, chuyện kể liên quan đến một đời sống âm nhạc một thời, điều ấy có khiến anh đưa ra những so sánh về đời sống văn hóa tinh thần của tầng lớp thị dân ngay ấy và bây giờ?

-Có thể nói, động lực ra đời những tác phẩm hay và làm nên sự sôi động của đời sống văn hóa tình thần của thị dân, chính là tuổi trẻ của họ. Nên nhớ là hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của Đoàn Chuẩn được ông viết trước năm 30 tuổi. Những nàng thơ của ông cũng rất trẻ, lúc đó các cô chỉ 19-20 tuổi, nhưng đã hội đủ những vẻ đẹp cả sắc vóc lẫn tinh thần, tạo ra một sự tương đắc giữa tài tử với giai nhân. Giai nhân ở đây cũng không chỉ là những “hot girl” kiểu bây giờ, mà là những người đẹp tài năng. Ít nhất hai nàng thơ của Đoàn Chuẩn là ca sĩ nổi tiếng, và sau đó các cô vẫn tỏa sáng. Điều đáng để so sánh nữa là tình bạn tri kỷ tri âm giữa những người bạn nghệ sĩ với nhau. Việc họ tập trung được vào những ham mê nghệ thuật, không bị nhiều phương tiện chi phối cũng khiến họ gắn bó lâu bền hơn.

Trân trọng cảm ơn anh!

* Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của Đoàn Chuẩn được ông viết trước năm 30 tuổi. Những nàng thơ của ông cũng rất trẻ, lúc đó các cô chỉ 19-20 tuổi, nhưng đã hội đủ những vẻ đẹp cả sắc vóc lẫn tinh thần, tạo ra một sự tương đắc giữa tài tử với giai nhân. Giai nhân ở đây cũng không chỉ là những “hot girl” kiểu bây giờ, mà là những người đẹp tài năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện tình tà áo xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO