Khoảng trống nhạc thiếu nhi

Minh Sơn 13/06/2019 08:00

Những năm gần đây thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển khá sôi động, thế nhưng dường như sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi vẫn còn bỏ ngỏ. Ở đó, có một nghịch lý là các tác phẩm âm nhạc thiếu nhi đang thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.

Khoảng trống nhạc thiếu nhi

Một tiết mục ca múa nhạc thiếu nhi.

Trẻ em hát bài người lớn

Đồng hành cùng với thị trường âm nhạc Việt, các gameshow âm nhạc cho thiếu nhi đã và đang là nơi chắp cánh có các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là các ca sĩ “nhí”. Theo dõi lịch phát sóng của nhiều đài truyền hình có thể thấy nhiều chương trình âm nhạc được tổ chức riêng cho trẻ em như: Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sinh ra để tỏa sáng, Biệt tài tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí… Tuy nhiên, dõi theo các chương trình đó có thể nhận thấy rằng có rất ít những ca khúc mới phù hợp với độ tuổi thiếu nhi.

Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngày càng nhiều trẻ em hát những bài hát dành cho người lớn, với những lời hát về tình yêu, về chia ly, đau khổ... khiến cho người lớn không khỏi “giật mình”. Tại nhiều sân chơi âm nhạc cho thiếu nhi như Đồ Rê Mí, The Voice Kids, Thần tượng tương lai, Tuyệt đỉnh song ca nhí… ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em hát những ca khúc người lớn, không phù hợp với lứa tuổi. “Để âm nhạc cho thiếu nhi có “đất sống”, việc xây dựng một kênh truyền hình chuyên biệt dành riêng để phát sóng các ca khúc, các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi là rất cần thiết. Kênh này sẽ lần lượt giới thiệu các ca khúc thiếu nhi Việt Nam từ xưa đến nay, giới thiệu những tác phẩm mới, những sản phẩm âm nhạc cũ nhưng được dàn dựng sáng tạo theo phong cách mới… đều có thể được phát sóng để giới thiệu đến với các em”- nhạc sĩ Lân Cường nói.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, những năm gần đây, vẫn có một số cuộc thi viết cho thiếu nhi, mặc dù tác phẩm gửi dự thi khá nhiều, nhưng lại thiếu ca khúc hay. Nguyên nhân một phần do tư duy và năng lực thẩm mỹ của người sáng tác, một phần do các tác giả không chịu đầu tư công sức để tìm hiểu tâm lý lứa tuổi. Nhiều nhạc sĩ có sáng tác mới nhưng lại theo nếp cũ, tư duy cũ nên các em không thích nghe. Thêm vào đó, lực lượng nhạc sĩ trẻ có tài hiện nay ít người quan tâm đến viết nhạc cho trẻ em. Chính bởi vậy, ngày càng nhiều trẻ em hát những bài hát dành cho người lớn, với lời hát về tình yêu, về chia ly, đau khổ. Ngay cả các sân chơi âm nhạc trên truyền hình dành cho thiếu nhi cũng xuất hiện tình trạng này.

Khoảng trống lớn

Có thể nói, rõ ràng số lượng nhạc sĩ quan tâm và thử sức sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi không nhiều, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay, có chăng cũng chỉ còn bộ phận các nhạc sĩ lớn tuổi có tâm huyết vẫn quan tâm đến các em. Không ít nhạc sĩ trẻ thừa nhận rằng, viết cho trẻ em thì bài hát “không được hoành tráng, khó có tác phẩm lớn” và hầu như né tránh lĩnh vực âm nhạc đặc biệt này. Bởi thực tế là với nhu cầu kinh tế thị trường thì các nhạc sĩ đang không thật sự “mặn mà” với việc sáng tác các ca khúc giành cho thiếu nhi. Ngay từ các trường học, từ mầm non cho đến tiểu học và trung học cơ sở đều khao khát có thêm những ca khúc để các em được hát với nhau, được cùng nhau trình diễn trên sân khấu. Chưa kể, thực tế những gì đang “tiêm nhiễm” vào các em nhỏ mỗi ngày là những giai điệu não tình hoặc du dương bolero của người lớn. Bởi suy cho cùng các nhạc sĩ giờ đây chỉ có “hứng thú” sáng tác nhạc người lớn, não tình với lý do dễ bán và có doanh thu. Còn các nhạc sĩ tâm huyết với nhạc thiếu nhi lại không tìm được đầu ra cho tác phẩm, không có chi phí để đầu tư, ra mắt sáng tác mới. Thế nên, không ít ca khúc ra đời cũng chỉ nằm trên giấy và cất tủ. Chưa kể, một số nhạc sĩ không theo kịp tư duy phát triển của đời sống con trẻ hôm nay nên ca khúc không thể lan tỏa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ, khác với các ca khúc ballad… được các ca sĩ tranh nhau đặt bài, quay MV, quảng bá trả tiền tác quyền giúp nhiều nhạc sĩ nổi danh thì ca khúc thiếu nhi chỉ gói gọn trong một đối tượng, hiếm ca sĩ thể hiện và cũng không đem lại tiếng tăm lẫn thu nhập cho các nhạc sĩ. Cũng theo ông Long, trẻ em giờ không thích những giai điệu chậm chạp, ê a, nên âm nhạc cho các em phải sôi động hơn, tiết tấu, âm hưởng nhanh, mạnh hơn, kể cả nhạc dance, đôi lúc lại có cả Rock, Pop... Ca từ trong bài hát cũng cần sâu sắc hơn, hình ảnh sinh động hơn và các đề tài cũng gần gũi với đời sống hiện nay của các em hơn.

Từ thực tế đó có thể nói cái khó lớn nhất là các bài hát thiếu nhi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức bởi hầu hết các nhà sản xuất đều cho rằng đây là phi vụ “lỗ vốn”. Khác với các ca khúc nhạc trẻ thường được các ca sĩ tranh nhau đặt bài, quay MV, quảng bá trả tiền tác quyền giúp nhiều nhạc sĩ nổi danh thì ca khúc thiếu nhi chỉ gói gọn trong một đối tượng, hiếm ca sĩ thể hiện và cũng không đem lại tiếng tăm lẫn thu nhập cho các nhạc sĩ. Chưa kể, theo các nhạc sĩ, ngày nay các em nhỏ được tiếp xúc với internet, âm nhạc từ khá sớm, bị dòng nhạc Âu Mỹ, nhạc Kpop bắt tai tràn lấp mà bỏ quên các dòng nhạc truyền thống, đúng lứa tuổi. Ngoài ra, các sân khấu thiếu nhi, các nhà văn hóa thanh niên lại gặp khó trong khâu quản lý, tổ chức nên đánh mất địa điểm phổ biến các ca khúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống nhạc thiếu nhi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO