Phát triển âm nhạc đương đại

Hải Đăng - Minh Sơn 24/03/2020 08:00

Âm nhạc đương đại nổi lên như một trào lưu mang tính thời thượng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhạc sĩ nước ta. Nhiều về số lượng nhưng đa phần tác phẩm không có sức sống lâu bền.

Phát triển âm nhạc đương đại

Âm nhạc Đương đại đang thiếu “chỗ đứng” trong thị hiếu của khán giả.

Khi mở rộng biên độ cho những sáng tạo ở lĩnh vực nghệ thuật, nhạc sĩ âm nhạc đương đại thường phải đánh đổi nhiều. Nhiều tác phẩm âm nhạc được đầu tư công phu, tốn kém, nhưng qua đi chóng vánh, cơ hội tái sinh còn chờ ở tương lai. Từ chỗ đi ngược lại thói quen thưởng thức, tác phẩm âm nhạc gặp phải trắc trở trên con đường hướng tới thực tại văn hóa. Đây chính là thách thức đối với cả tác giả lẫn người thưởng thức. Giữa bối cảnh cái mới chưa kịp trở thành cái quen đã vấp phải sự kháng cự bởi thái độ thờ ơ, lãnh đạm của người nghe...

Trong quá khứ, các trào lưu baroque, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng… vào thời kỳ hoàng kim của mình đều thị hiện trước cuộc đời bằng sáng tác mới. Khi thời đại qua đi, một bộ phận trong số đó ở lại với thời gian trở thành di sản văn hóa thế giới. Đối với nghệ thuật đương đại, điểm khác biệt nằm ở chỗ, tác giả của nó có chiều hướng đặt câu hỏi để cùng suy ngẫm thay vì đưa ra câu trả lời. Lý do này càng góp phần gia tăng khoảng cách, đẩy nghệ thuật đương đại ra xa công chúng, thậm chí rơi vào tình cảnh thiếu vắng sự đồng thuận. Những kiến tạo về không gian cho nghệ thuật biểu hiện trong bối cảnh văn hóa chung tạo nên tính chất quá cảnh, tạm bợ. Âm nhạc đương đại vừa tồn tại song song với di sản văn hóa kế thừa từ quá khứ, vừa tham gia cạnh tranh với nhiều trào lưu âm nhạc mới.

Trên đường hướng hội nhập xã hội hiện đại, âm nhạc đương đại cần sự đầu tư ở cả hai khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Nhưng, nhìn vào thiết chế văn hóa vốn được coi là bến đỗ, chốn neo đậu của âm nhạc trong lòng xã hội hiện đại thì tại đây, sự hậu thuẫn văn hóa luôn khiến người ta nghi ngờ. Lay chuyển tư duy văn hóa cần tiến hành song song với nghệ thuật nhằm tránh sự lẻ loi, đơn độc trên con đường của người sáng tạo.

Có một thực tế từ trước đến nay, người biểu diễn thuộc nhóm đối tượng được ký thác di sản âm nhạc, từ âm nhạc dân gian đến chuyên nghiệp, từ cơ sở tín ngưỡng đến chốn thế tục, từ nghệ sĩ lang thang đến nghệ sĩ khoác lên mình đủ thứ vương miện, với bản chất và vai trò then chốt, họ xác lập nhiệm vụ gánh vác thứ tài sản vô hình trên cơ thể hữu hình nhằm làm nên tính liên tục. Âm nhạc đương đại không hoàn toàn như vậy, nó có thể là file âm thanh hay một kết cấu được định dạng. Nhạc sĩ đương đại cũng có thể sáng tác những tác phẩm với sự trình diễn đầy đủ như từng xảy ra trong quá khứ, nhưng, chúng đến và đi như nước chảy hoa trôi. Tính chất đồng hiện trong âm nhạc đương đại tự thân làm thành giá trị của món tài sản định hình trong không gian, thời gian chóng vánh... Bởi vậy, nhiều tác phẩm âm nhạc đương đại nhanh chóng sinh ra và biến mất. Không thiếu trường hợp được sáng tác như những dự án, công trình thu hút vốn đầu tư, rồi cuốn chiếu ra đi. Có thể trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ đương đại đã gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc. Song, không hẳn vì thế mà có thể tiên liệu về một xu hướng trong tương lai, đầy tính chất “huy hoàng rồi chợt tắt” ở thời điểm hiện tại.

Âm nhạc đương đại sau khi tuyên chiến với chủ nghĩa cổ điển đã tự làm khó mình để dấn thân vào con đường đầy thách thức. Thay vì phá vỡ cấu trúc truyền thống, tuyên chiến với loại âm nhạc đã thành khuôn mẫu, từ tổ chức, cơ cấu dàn nhạc, tác phẩm cho đến tư duy sáng tác, những gì đã thành thói quen, lề lối thông qua sự thỏa thuận dài lâu, âm nhạc đương đại đưa đến cho chúng ta trải nghiệm có một không hai và đương nhiên, xuất phát từ lý do đó mà nó chóng vánh. Hy sinh cái quen thuộc nhằm đổi lấy sự độc đáo, nhạc sĩ đương đại đem đến cho người thưởng thức những rung động ban sơ, đầu đời trước những biến ảo bởi sự mới lạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển âm nhạc đương đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO