Ấn Độ trước nguy cơ ‘làn sóng thứ ba’

Thế Tuấn (tổng hợp) 25/05/2021 07:06

Trong vòng 24 giờ (tính đến 6h sáng ngày 24/5), thế giới ghi nhận thêm trên 9.000 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ đã là 4.455 ca, tương đương một nửa số người trên toàn cầu chết vì Covid-19.

Tới nay, hơn 300.000 người Ấn Độ đã tử vong do Covid-19. Trong khi đó, quốc gia 1,3 tỷ dân này đang bị coi là sẽ phải đương đầu với “làn sóng Covid-19 thứ ba”, đồng thời lại phải chống cự với căn bệnh vô cùng nguy hiểm: bệnh nấm đen.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ.

Những ngày gần đây, tình hình Covid-19 tại Ấn Độ đã bớt nóng khi đỉnh dịch được xác định là đã đi qua (với mốc đỉnh dịch là trên 400.000 ca/ngày). Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cho biết, thủ đô New Delhi của Ấn Độ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vào tuần tới nếu số ca nhiễm mới tại thành phố này tiếp tục giảm.

Lo ngại vẫn ở phía trước

Theo ông Arvind Kejriwal, New Delhi đã áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 24/4 trong bối cảnh thành phố này liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng và trở thành một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây đã giảm dần với tỉ lệ ca dương tính sau khi xét nghiệm đã giảm xuống dưới mức 2,5%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 36% ghi nhận tháng 4 vừa qua.

Nếu không có gì thay đổi, thủ đô New Delhi sẽ bắt đầu tiến trình dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 31/5.

Nhưng, dẫu đã có những dấu hiệu sáng hơn thì Ấn Độ vẫn không vì thế mà được coi là đã kiểm soát được “làn sóng Covid-19 thứ hai” tàn phá đất nước suốt gần 2 tháng qua. Đáng lo ngại, theo giới chuyên gia y tế, thì Ấn Độ có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 trong những tháng tới và nhiều bang không thể tiêm chủng cho những người dưới 45 tuổi do thiếu vaccine. Tính tới thời điểm hiện tại tuy là quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ cũng mới chỉ hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 41,6 triệu người, khoảng 3,8% dân số cả nước.

“Làn sóng thứ ba”, theo giới chuyên gia y tế, rất có thể bùng phát ở những vùng nhiều người nghèo, khi mà hệ thống y tế yếu kém cũng như số đông người dân không được tiêm vaccine. Thực tế ở “làn sóng thứ hai”, ngay tại các đô thị, chỉ có người bị bệnh nặng phải thở ô-xy mới được nhập viện. Thêm nữa, nếu xác định vaccine là vũ khí quan trọng để tiêu diệt virus gây bệnh thì phải tới 70% dân số được tiêm ngừa trở lên mới đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, với mức 3,8% như hiện nay, có thể phải mất nhiều năm Ấn Độ mới tiêm chủng xong cho 70% trong tổng số 1,3 tỷ người.

Để tăng cường lượng vaccine cần thiết, mới đây Đại sứ Ấn Độ tại Nga Venkatesh Varma cho biết, vào tháng 8, nước này sẽ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Theo đó, trong vòng 2 tháng sẽ có thêm khoảng 850 triệu liều vaccine này. Đầu tháng 5, Ấn Độ đã nhận 210.000 liều vaccine Sputnik V từ Nga và sẽ nhận thêm 3 triệu liều vào cuối tháng 5. Đến tháng 6 tới, 5 triệu liều vaccine Sputnik V sẽ được chuyển tới Ấn Độ.

Đó là nỗ lực đáng kể, tuy nhiên nó vẫn không thể “chạy đua” được với “làn sóng thứ ba” của đại dịch đang chờ ở phía trước, trong khi “làn sóng thứ hai” vẫn chưa qua.

Tín hiệu sáng khi tiêm đủ 2 mũi vaccine

Trong một diễn biến khác, một nghiên cứu của Anh công bố ngày 23/5 cho thấy, chỉ cần tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech và AstraZeneca, cơ thể con người có thể ngăn chặn được biến thể mới B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Y tế cộng đồng Anh, vaccine của Hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech có hiệu quả lên đến 88% trong việc chống lại kháng thể B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau 2 tuần cơ thể người nhận được mũi tiêm thứ 2. Trong khi đó hiệu quả của loại vaccine này lên đến 93% trong việc ngăn ngừa biến thể có nguồn gốc từ Anh. Còn đối với vaccine của AstraZeneca, nếu sử dụng đủ 2 liều, loại vaccine này có hiệu quả là 60% trong việc ngăn chặn biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ và 66% trong việc ngăn chặn biến thể có nguồn gốc từ Anh.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã gọi đây là bước đột phá, đồng thời bày tỏ hy vọng Chính phủ Anh sẽ sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 vào tháng tới: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về sự xuất hiện của biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tuy nhiên, thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến mọi người là mũi tiêm vaccine thứ 2 là rất quan trọng. Chúng ta đều biết rằng, vaccine là một trong những giải pháp giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch và các dữ liệu nghiên cứu đều cho thấy thực tế này”.

Nguy hiểm bệnh nấm đen

Trở lại với Ấn Độ, bên cạnh mối lo từ đại dịch Covid-19 thì người ta còn hết sức lo ngại về căn bệnh nấm đen, khi tới ngày 24/5 đã có gần 220 người tử vong do bệnh này. Tờ Hindustan Times, cho biết ít nhất 219 ca tử vong do căn bệnh này đã được ghi nhận trong cả nước.

Trước đó ngày 20/5, chính phủ Ấn Độ kêu gọi các cơ quan chức năng trong nước thông báo bệnh nấm mốc đen là dịch bệnh. Ít nhất 9 bang đã thực hiện điều này. Các khu điều trị đặc biệt đã được mở ở một số thành phố. Đáng sợ là bệnh này ngày càng lây nhiễm sang các bệnh nhân Covid-19 đang hồi phục, buộc bác sĩ phải cắt bỏ các bộ phận trên khuôn mặt của một số bệnh nhân để cứu sống họ.

Theo tờ Telegraph, bệnh nấm đen do một loại nấm (mucor) thường thấy trong đất và rau thối rữa - gây nhiễm trùng xoang, não và phổi của những người bị suy giảm miễn dịch. Đây là loại bệnh rất hiếm gặp, nhưng lại gây ra tỷ lệ tử vong cao. Nếu tiên đoán nấm đen sẽ lan đến não - khi phẫu thuật xâm lấn là biện pháp cuối cùng - các bác sĩ buộc phải cắt bỏ xương hàm, mũi và mắt bị nhiễm trùng của bệnh nhân.

“Tình hình ở đây đã được cải thiện về số lượng bệnh nhân Covid-19 cần nhập viện nhưng bệnh nấm đen lại đang tàn phá kinh khủng” - bác sĩ Prashant Rahate, Giám đốc Bệnh viện SevenStar ở Nagpur, nơi đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nấm đen, cho biết.

Hiện tại, loại thuốc duy nhất có sẵn là tiêm thuốc chống nấm vào tĩnh mạch, nhưng nhiều người Ấn Độ không thể chi trả số tiền 3.500 rupee (khoảng 1 triệu đồng) mỗi ngày.

Theo Giáo sư David Denning (Đại học Manchester và là giám đốc điều hành của Quỹ Hành động toàn cầu về bệnh nhiễm nấm), loại nấm bệnh này phát triển cực kỳ nhanh. Một khi xâm nhập vào cơ thể, nó có thể đi thẳng từ mô bình thường vào xương, vào dây thần kinh. “Tôi nghĩ có 3 nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng đột biến bệnh nấm đen ở Ấn Độ: Về cơ bản là có nhiều tiếp xúc, vì vậy dân số mắc bệnh này thường xuyên hơn; kiểm soát kém hoặc không kiểm soát bệnh tiểu đường; và dùng steroid để điều trị Covid-19”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ trước nguy cơ ‘làn sóng thứ ba’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO