An Giang: Thành công với ‘nhiệm vụ kép’

Quốc Trung – Hồng Diễm 14/02/2021 10:00

Với quyết tâm chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân, An Giang đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, vừa triển khai các giải pháp duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, vừa triển khai công tác phòng chống dịch, kiểm soát, khống chế không để dịch Covid-19 lây lan đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn…

Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân thăm hỏi động viên công nhân trên các công trình những ngày cận tết.

Vững bước trong khó khăn

Qua chia sẻ của lãnh đạo tỉnh An Giang, trong điều kiện khó khăn chung về tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh để tập trung chỉ đạo, nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Kết quả, năm 2020 An Giang đã thực hiện đạt và vượt toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kim ngạch xuất khẩu đạt 930 triệu USD; thu ngân sách trên 6.757 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%... Trong năm, tỉnh đã thu hút được 47 dự án đầu tư với tổng vốn đăng kí trên 9,8 nghìn tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 6,7 nghìn tỷ đồng…

Chương trình xây dựng nông thôn mới(NTM) được triển khai rộng khắp, lan toả ở các địa phương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được tập trung đầu tư, diện mạo nông thôn và đời sống người dân khởi sắc hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 61/119 xã đạt chuẩn NTM (đạt 51,26% tổng số xã, tăng 48 xã so năm 2015); có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM (TP Long Xuyên, TP Châu Đốc và huyện Thoại Sơn). UBND tỉnh An Giang cũng ban hành quyết định chọn 28 xã điểm và 2 huyện Chợ Mới và Châu Thành tập trung đầu tư đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Trong năm qua, nông nghiệp An Giang tiếp tục chứng minh được vai trò nền tảng của vùng ĐBSCL. Trong khi các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ đang gặp khó thì tỉnh An Giang đã tập trung cho sản xuất lúa. An Giang cũng tận dụng được cơ hội giá lúa, gạo tăng cao khi nhiều nước tăng nhu cầu mua lương thực ứng phó với dịch bệnh. Nhờ vậy, cả 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông 2020, nông dân ở đây “trúng mùa, trúng giá”.

Cùng với đó, trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản mặt hàng cá tra chiếm ưu thế khi lần đầu có lô cá tra được sản xuất theo công nghệ cao lên đường vào thị trường lớn khó tính như EU, Nam Mỹ, Asean, Trung Quốc và Trung Đông. Đây là một bước tiến đột phá của ngành hàng cá tra tại An Giang, nhằm quảng bá sản phẩm cá tra ra thị trường thế giới và thị trường nội địa để người tiêu dùng biết đến sản phẩm cá tra thơm ngon, dinh dưỡng được sản xuất chế biến theo tiêu chuẩn xanh, sạch, tiện lợi…mở ra tương lai tốt cho người nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng.

Doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở An Giang phát triển mạnh.

Ông Cao Lương Tri, người dân nuôi cá ở TP Long Xuyên, phấn khởi khi hay tin cá tra của An Giang đã tiếp cận được những thị trường khó tính: “Chưa có ngành hàng nào ở ĐBSCL có lợi thế như ngành hàng cá tra. Ở An Giang đã có những lúc tính được 1ha mặt nước nuôi cá tra có doanh thu từ 7,5 đến 9 tỷ đồng/ha/vụ (tùy vào mật độ thả nuôi), so với cây lúa thì giá trị cao hơn rất nhiều lần. Chúng tôi luôn theo dõi tình hình phát triển của con cá tra và “đường bơi” của nó ra thế giới. Hiện cá tra nuôi tại ĐBSCL được người tiêu dùng ở 138 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thích ăn. Tôi cho rằng đây là một thuận lợi lớn không chỉ của An Giang và cả vùng ĐBSCL, nếu làm tốt công tác quản lý vùng nuôi, giám sát chặt chẽ các bước như nuôi, chế biến đáp ứng được những tiêu chuẩn của các nước đề ra, mỗi năm có thể đem nguồn lợi lớn về cho đất nước và tỉnh An Giang, người dân nuôi cá chúng tôi cũng khấm khá hơn…”

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, An Giang đã thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng được hưởng qua các chương trình giảm nghèo, các chính sách về hỗ trợ tín dụng, y tế, giáo dục được triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn…. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay An Giang đã cơ bản hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ cho trên 228 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí trên 230 tỷ đồng…

Tỉnh An Giang có vị trí địa lý tương đối khác biệt so với nhiều tỉnh thành trong vùng ĐBSCL, có biên giới giáp với Campuchia. Thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất là khu vực biên giới, tình trạng vượt biên trái phép khiến cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên cả hệ thống chính trị của An Giang đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt, không để tình trạng dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, khiến người dân yên tâm, tin tưởng.

Kì vọng vào nhiệm kì mới

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng của An Giang vẫn luôn là nhiệm vụ then chốt. Chia sẻ về điều này, Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thị Ánh Xuân cho biết: “Công tác xây dựng Đảng trong năm qua luôn được tỉnh An Giang đặt lên vị trí quan trọng, là nhiệm vụ then chốt, tập trung đúng mức và đạt nhiều kết quả cụ thể trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Tỉnh luôn quan tâm xây dựng, tổ chức, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, cán bộ hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với nhiều cách làm hay, vừa quyết liệt, vừa thận trọng và phù hợp điều kiện địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát được Tỉnh ủy tăng cường, góp phần bảo vệ chính trị nội bộ, hạn chế vi phạm lớn trong Đảng, được Trung ương đánh giá cao”.

Ngoài ra, công tác nội chính phòng chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, triệt phá các băng nhóm, đường dây ma túy liên tỉnh, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; việc đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào thực chất. Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

Cá tra vẫn là chủ lực về thuỷ sản ở An Giang.

Công tác dân vận luôn được quan tâm, hệ thống dân vận các cấp thường xuyên bám sát cơ sở để theo dõi, nắm bắt tư tưởng, dư luận quần chúng nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền hỗ trợ tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và chăm lo tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng có trọng tâm, trọng điểm tạo sự đồng thuận trong nội bộ và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Đảng của An Giang năm 2021, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy An Giang, cho biết: Năm 2021, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động của Tỉnh uỷ, thực hiện nghị quyết đại hội lần thứ 11 Đảng bộ tỉnh về công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng, nghị quyết về nâng cao chất lượng công tác đảng viên giai đoạn 2020 – 2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình công tác năm 2021 như kế hoạch về luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức năm 2021; đề án đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý nữ trẻ, dân tộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, tăng cường kiểm tra giám sát chuyên đề, kịp thời xử lý các chi bộ có đảng viên vi phạm. Song song đó cần thực hiện tốt Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị và lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026…”.

Ông Lê Văn Nưng cho biết thêm: “Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 07 ĐA/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, tăng cường giám sát nắm bắt tình hình hoạt động của cán bộ đảng viên; tăng cường công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia…”

Với quyết tâm của hệ thống chính trị, niềm tin của người dân và những kết quả đạt được trong năm vừa qua là nền tảng vững chắc để năm 2021 An Giang tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An Giang: Thành công với ‘nhiệm vụ kép’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO