An toàn thực phẩm ở mức giới hạn đỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Việt Thắng 16/02/2017 09:05

Đó là câu hỏi nhức nhối được các đại biểu đặt ra khi Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các Bộ: Y tế; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, diễn ra ngày 15/2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng qua giám sát thực tế thấy rằng tình hình nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?

Việc kiểm tra, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Kiểm tra 1.000 cơ sở, chỉ xử phạt 2 cơ sở

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Sử dụng chất cấm, thú ý, nhuộm màu ngoài danh mục có diễn biến phức tạp.

Buôn lậu thực phẩm diễn biến phức tạp như thực phẩm chức năng, vấn đề bếp ăn thực phẩm còn nhiêu mối lo. Theo ông Phong, nguyên nhân chủ quan là do cán bộ nhận thức chưa đầy đủ, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Có tỉnh 1 năm kiểm tra, thanh tra 1.000 cơ sở nhưng chỉ xử phạt 2 cơ sở. Cạnh đó, đời sống nhân dân thấp không có khả năng mua thực phẩm sạch mà mua thực phẩm trôi nổi dù biết không an toàn.

Theo ông Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, Tổ trưởng tổ giúp việc cho Đoàn giám sát, qua giám sát tại 13 địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch sản xuất, giết mổ. Một số doanh nghiệp lớn đã tập trung đầu tư cho thực phẩm an toàn tạo được một số chuỗi nông sản sạch cung ứng ra thị trường, hệ thống phòng kiểm nghiệm đã được nâng cao và hiện đại hóa ở Trung ương.

Tuy nhiên vấn đề bếp ăn còn nhiều tiềm ẩn, việc xử lý thực phẩm chức năng còn nhức nhối khi riêng tại Nghệ An đã thu được 202 tấn và nhiều vụ nghiêm trọng.

Nguyên nhân của những vấn đề trên, theo ông Tiến là do ban hành văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa kịp thời, đôi khi còn chồng chéo. Một sản phẩm mà 3 Bộ quản lý nên công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra phức tạp.

Quản lý vật tư sản xuất chưa tốt. “Thuốc kháng sinh dùng tràn lan. Không nước nào dùng kháng sinh như ở ta. Trong khi đó chế phẩm sinh học quá trình dùng còn rất nhiều vấn đề nan giải. Quản lý vật tư “đầu vào” không chặt chẽ thì khó đảm bảo “đầu ra” an toàn.

Ô nhiễm môi trường đặc biệt là ở vùng nông thôn ngày càng nặng nên khó mà đảm bảo được an toàn trong sản xuất thực phẩm sạch. Số vụ ngộ độc vẫn còn rất lớn”- ông Tiến chỉ rõ.

Xử phạt cán bộ thông đồng thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng qua giám sát thực tế thấy rằng tình hình ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?

Theo ông Hiển, kiểm tra rất nhiều với 150 ngàn đoàn trong 5 năm, bình quân 1 năm có 30 ngàn đoàn, thanh tra được trên 3 triệu cơ sở nhưng phát hiện 20% vi phạm. Vậy thì trong tổng số hàng hóa đã kiểm soát có bao nhiêu % bảo đảm an toàn? Tính bình quân mỗi cuộc xử phạt chỉ có 200 ngàn đồng, không bằng xử phạt vi phạm giao thông.

“Vi phạm nghiêm trọng mà không có vụ nào xử lý hình sự. Cho nên phải xem xét mức độ vi phạm đã được xử lý nghiêm minh chưa. Ruốc gì mà bán 120 nghìn đồng 1 cân.

Qua kiểm tra thấy 1/3 là ruốc, còn lại là bột mà cơ sở ở ngay gần trụ sở xã. Vậy mà các cuộc kiểm tra đều không biết. Đó là do thiếu người hay chúng ta chưa vào cuộc? Trách nhiệm của các Bộ thế nào?

Người đứng đầu địa phương để cho vi phạm ở các xã, phường thế nào? Nơi nào xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể Chủ tịch xã không biết”- ông Hiển nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, cần làm rõ sự phối hợp, trách nhiệm của Bộ, ngành với địa phương. Nhiều khi đi kiểm tra thì có việc nhắn tin cho cơ sở biết nên đến kiểm tra rất đẹp, nhưng sau đó thực tế lại rất khác.

Như vậy là diễn và đối phó, vậy quy trách nhiệm cán bộ thế thế nào? Kiểm tra 1.000 cơ sở chỉ phạt 2 cơ sở, vậy chúng ta có xử phạt cán bộ thông đồng?

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: 3 Bộ phải chịu trách nhiệm trong quá trình thực thi, nhưng còn vấn đề được ít người nhắc đến chính là chính quyền địa phương các cấp.

Bộ trưởng Tiến phân trần: “Ví dụ nơi sản xuất rượu giả, thực phẩm bẩn thì chắc chắn Công an xã, Trưởng thôn, Trưởng ấp phải biết. Gần đây thanh kiểm tra rất quyết liệt nhưng chính là do xử phạt chưa nghiêm minh, còn nể nang tránh né. Chúng ta mới bổ sung một số ít tội danh vào Bộ luật Hình sự nhưng xác định như thế nào là nghiêm trọng? Vì để đến chết người mới xác định là nghiệm trọng thì nói làm gì nữa”.

Từ đó, Bộ trưởng Tiến đề xuất, sắp tới nên làm rõ vai trò của lực lượng công an viên bán chuyên trách bám sát khu vực, Tổ trưởng khu vực dân phố vào trong giám sát và phát hiện.

“Chúng tôi rất muốn đột phá bằng việc đưa các chế tài xử phạt vào trong Bộ luật Hình sự ở mức cao hơn nhưng các Bộ lại không đồng ý khi cho rằng cao quá mức”- Bộ trưởng Tiến nêu rõ.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng vẫn thế là do chỉ cảnh báo, giáo dục là “không đủ liều”.

Trong thanh tra, kiểm tra quan trọng nhất chính là “chân rết” tại cơ sở vì cơ sở nắm rất rõ địa bàn. Không thể cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn mà địa phương không biết.

Cho nên Bộ đã tham mưu Chính phủ trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm. Qua đó để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống lại mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, quy định có cả nhưng chậm thực hiện là do chính quyền địa phương. Qua kiểm tra thấy cứ nơi nào có quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương thì tình hình có khác. Tức là quy định có rồi nhưng nơi làm được, nơi không làm được đó chính là do sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Ông Khánh cũng cho rằng, chế tài phạt chủ yếu ở mức hành chính là còn quá nhẹ trong khi thực chất đây là quá trình “đầu độc” con người.

Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ cho rằng, quan trọng là cán bộ không làm chứ không phải thiếu quy định pháp luật.

Vì hiện Bộ luật Hình sự đã có quy định phạt tù đến 15 năm; xử lý hành chính đến mức hơn 500 triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Câu chuyện là bộ máy chính quyền địa phương không thực hiện chứ không phải không có chế tài. Phải giải mã cái đó thì mới được, nếu không cứ như thế thôi”- ông Bộ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn thực phẩm ở mức giới hạn đỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO