Nhận diện những loại rượu dễ gây ngộ độc cao dịp Tết Nguyên đán

Theo Vietnamplus 15/02/2018 11:14

Vào dịp Tết, nỗi lo an toàn thực phẩm, nhất là tình trạng ngộ độc rượu trong mấy năm gần đây đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực khi ngày càng nhiều các ca cấp cứu do ngộ độc rượu hay tai nạn giao thông do rượu gây ra.

Nhận diện những loại rượu dễ gây ngộ độc cao dịp Tết Nguyên đán

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số rượu ngâm không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: TTXVN).

4 người tử vong/tháng

Theo thống kê của Bộ Y tế, thường đỉnh điểm của các ca ngộ độc, cấp cứu do rượu rơi vào tháng 2-3 dương lịch (tháng trước và sau Tết nguyên đán). Năm nào số ca ngộ độc rượu phải cấp cứu, tử vong trong dịp này cũng tăng hơn gấp đôi so với các tháng còn lại.

Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân uống phải rượu có cồn công nghiệp với nồng độ methanol cao gấp nhiều lần cho phép và uống phải rượu ngâm với những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng Một, các đơn vị tại Bệnh viện đã tiếp nhận 12 trường hợp bị ngộ độc rượu nặng nhập viện, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu, làm 193 người mắc (179 người đi viện và 34 người chết). Gần 35% số tỉnh (22/63 tỉnh, thành phố) ghi nhận ngộ độc rượu.

Chỉ trong năm 2017, cả nước ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu, làm 119 người mắc, 115 người đi viện. Số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều vào thời gian từ tháng Hai đến tháng Tư là dịp đầu năm mới và lễ hội Xuân.

Phân tích về vấn đề này, ông Long thẳng thắn: “Đây chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’, còn nhiều vụ ngộ độc rượu nhỏ lẻ ở các địa phương chưa được thống kê.”

Nhận diện những loại rượu dễ gây ngộ độc cao dịp Tết Nguyên đán - 1

Bệnh nhân ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. (Ảnh: TTXVN).

Ngộ độc do rượu trắng cao nhất

Ông Long chỉ rõ, các loại rượu được sử dụng trong các vụ ngộ độc thực phẩm do rượu giai đoạn 2013-2017 là rượu trắng (với 2 vụ, 5 người mắc, 1 người chết), rượu có methanol cao (7 vụ, 106 người mắc, 23 người tử vong), rượu ngâm thuốc (5 vụ, 28 người mắc, 1 người chết), rượu ngâm cây rừng độc (có 11 vụ, 49 người mắc, 6 người chết), rượu ngâm củ ấu (3 vụ, 5 người mắc, 3 người tử vong)…

Phân tích nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu ở giai đoạn này cho thấy, rượu trắng, rượu có hàm lượng methanol cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tử vong do ngộ độc rượu (chiếm 32%). Tiếp đến là rượu ngâm cây thuốc là 5/28 vụ (chiếm 18%), rượu ngâm cây rừng độc là 11/28 vụ (chiếm 39%), rượu ngâm củ ấu là 3/28 vụ (chiếm (11%).

Nhận diện những loại rượu dễ gây ngộ độc cao dịp Tết Nguyên đán - 2

Biểu đồ về số trường hợp ngộ độc và tử vong do các loại rượu trong giai đoạn từ 2013-2017. (Nguồn: Bộ Y tế).

Đáng chú ý, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu, đặc biệt trong số đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không nhãn mác và đặc biệt là rượu giả được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) do gian lận thương mại đang gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.

Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, hai loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc ethylic (còn gọi là rượu ethanol) và ngộ độc cồn methylic (methanol). Đây là loại hoá chất độc cực mạnh, chỉ uống từ 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên là gây mù lòa, 30ml là có thể gây tử vong.

Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.

Hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân ngày Tết cổ truyền không thể thiếu rượu, bia, đồ uống, trong đó rượu ngoại nhập, rượu tự nấu, rượu ngâm các loại củ quả… Rượu tràn ngập thị trường không thể nhận biết đâu là rượu thật, rượu giả, ngay cả dán mác, dán tem.

Thượng tá Bùi Đức Am - Phó trưởng Phòng 7 (Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an) cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng.

“Nạn nhân có tiền sử nghiện rượu hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nên khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ra ngộ độc đe dọa đến tính mạng. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dung về tác hại, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật, rượu không nhãn mác còn hạn chế. Khi xảy ra ngộ độc rượu, các nạn nhân chưa được cấp cứu, điều trị kịp thời do lầm tưởng các triệu chứng ban đầu của hiện tượng say rượu thông thường…,” thượng tá Am nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để phòng chống ngộ độc rượu người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng; không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật hay rượu ngâm theo kinh nghiệm dân gian.

Để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải; không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Người dân thi thấy các trường hợp sau khi uống rượu có các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn… cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh tử vong hoặc biến chứng nặng nề nguy hại cho sức khỏe khi lạm dụng rượu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện những loại rượu dễ gây ngộ độc cao dịp Tết Nguyên đán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO