An toàn vệ sinh thực phẩm: Vi phạm vẫn gia tăng

Phương Nguyên 08/07/2015 08:30

Trước vấn đề nóng về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều cuộc ra quân, nhiều đoàn, tổ công tác đã được thành lập. Đã không ít các cơ sở sản xuất kinh doanh được phát giác và bị xử phạt. Tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn tái diễn và tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe người dân.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Vi phạm vẫn gia tăng

Thực phẩm không an toàn vẫn là nỗi lo thường trực của người dân

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong 25 tỉnh triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản theo Thông tư 45, kết quả cho thấy, tỷ lệ các cơ sở loại C (không đáp ứng những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm) tiếp tục tăng với mức cao. Cũng trong đợt kiểm tra này, thực tế cho thấy, tuy các cơ sở xếp loại C gia tăng nhưng lại được kiểm tra rất ít. Cụ thể, đối với cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực vật và sản phẩm thực vật có 24,4% cơ sở xếp loại C được tái kiểm và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 47,3%. Với cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh động vật và sản phẩm động vật (trên cạn) có 26,4% cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 41%. Tương tự như vậy, với cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản có 32,8% cơ sở xếp loại C được tái kiểm và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 46%; Và các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp có 35,9% cơ sở xếp loại C được tái kiểm và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 22,6%.

Trước sự gia tăng đáng lo ngại này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, trong năm 2015, ngành nông nghiệp phải tổ chức, kiểm tra phân loại 100% cơ cở mà ngành thống kê được và các cơ sở xếp loại C phải được tái kiểm và xử lý nghiêm. Không chỉ có vậy, các cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt sử dụng vật tư nông nghiệp để họ biết cách sử dụng đúng và hiệu quả. Để giảm thiểu về vấn đề gia tăng các cơ sở sản xuất, kinh doanh xếp loại C này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Ngoài tăng cường kiểm tra và tái kiểm tra chúng ta phải nhắm vào người sản xuất từ nơi ao nuôi, chuồng trại, các ruộng vườn. Phải trực tiếp hướng dẫn họ sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất cũng như thu hoạch ở thời điểm nào để có được thực phẩm an toàn.

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề nóng với người dân. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì thực trạng này luôn trở lên căng thẳng. Thạc sĩ Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú Y TP.HCM cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y đã xử phạt vi phạm hành chính 1.268 vụ vi phạm hành chính trong công tác Thú y. Vi phạm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trốn tránh, không khai báo kiểm dịch, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,9 tỉ đồng. Xử lý tiêu hủy 27.584kg động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra Trạm thú y các quận, huyện cũng phát hiện và xử lý 3.147 trường hợp vi phạm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không qua kiểm dịch, sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm, tịch thu tiêu hủy 63.153 kg thịt và phụ phẩm gia súc, gia cầm các loại.


Cũng trong chiến dịch tuyên chiến với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên bình diện 3 cấp. Với 16.713 cơ sở, 708 vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thanh kiểm tra trong đợt này đã phát hiện 1.190 cơ sở vi phạm, với 587 vụ, với số tiền phạt 5.462.380.000 đồng. Tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không an toàn với số lượng 4.883,9 kg thuộc 140 cơ sở thực phẩm. Số cơ sở và vụ còn lại đang tiếp tục làm rõ chứng cứ để tiến hành các thủ tục xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Đáng lưu ý, trong thời gian gần đây, qua thanh tra đột xuất tại Hậu Giang, Thanh tra Bộ và Cục Thú y đã phát hiện việc sản xuất thuốc thú y có sử dụng kháng sinh cấm, thức ăn bổ sung không có trong danh mục. Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy sản phẩm thuốc thú y có kháng sinh cấm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 66 triệu đồng. Thanh tra Bộ cũng đã phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường thanh tra đột xuất một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm, hiện đang xử lý kết quả.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ cho biết, hiện đã có một công ty thừa nhận hành vi trộn chất cấm Salbutamol vào thức ănchăn nuôi. Phía Thanh tra Bộ đã tịch thu hơn 4 tấn thức ăn chăn nuôi và tiến hành xử phạt vi phạm với số tiền 170 triệu đồng. Liên quan đến những vì phạm này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường làm rõ sai phạm của các công ty và công bố công khai trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn vệ sinh thực phẩm: Vi phạm vẫn gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO