Ấn tượng đám cưới của người Dao ở Ba Vì

Như Quỳnh 23/06/2020 10:08

Nằm dưới chân núi Tản Viên, cách trung tâm Hà Nội chưa đến 100 km, đồng bào dân tộc Dao (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Trong đó có thể kể đến là lễ cưới truyền thống của người Dao.

Đám cưới người Dao bây giờ vừa mang đậm bản sắc văn hóa vừa hiện đại.

Đám cưới của người Dao bây giờ không thách cưới bạc nén, không mổ lợn, giết gà nhiều như xưa mà vẫn đẹp, vẫn vui; hội tụ được tinh hoa dân tộc nhưng cũng không kém phần hiện đại.

Người Dao ở Ba Vì thuộc nhóm Dao Quần Chẹt, là một đơn vị khép kín, ít có sự giao lưu với các tộc người khác. Ngày xưa, các cuộc hôn nhân chủ yếu diễn ra giữa các dòng họ trong làng, người cùng dân tộc. Họ quan niệm những người tốt nết thì chẳng phải đi sang tận nơi khác để tìm vợ, tìm chồng mà chỉ cần lấy ngay ở trong làng.

Những người cao tuổi tại đây cho biết: Theo tục lệ, trong lễ cưới của người Dao, nhà trai phải sắm lễ sang nhà gái bao gồm bạc nén, 30 - 50 kg thịt lợn, 30 - 40 kg gạo, 30 lít rượu, trầu cau… cùng anh em họ hàng sang nhà gái nấu nướng làm cỗ phục vụ suốt 2,3 ngày. Ngoài ra, nhà trai phải nhờ người có uy tín trong họ có mặt bên nhà gái suốt ngày cưới để giữ hoà khí. Nếu làm nhà gái phật ý, nhà trai không được đưa dâu về. Trường hợp gia đình nhà trai quá khó khăn, số lễ vật thách cưới lại nhiều thì hai bên có thể giảm bớt. Hoặc con trai của những gia đình nghèo có thể đến nhà gái ở rể.

Người Dao quan niệm, hôn nhân là một việc trọng đại không chỉ đối với đôi trai gái mà còn với cả hai bên gia đình, dòng họ. Người của họ nhà trai sang nhà gái làm là sự chia sẻ những vất vả với cha mẹ cô gái đã nuôi dưỡng, dạy bảo con gái suốt bấy nhiêu năm để đến hôm nay về làm dâu nhà trai.

Nói về đám cưới của người Dao ngày nay, chị Triệu Thị Thanh Nga (Thôn Hợp Sơn, Ba Vì) chia sẻ: Trước kia trai gái Dao chỉ được phép lấy người cùng dân tộc, nhưng bây giờ họ có thể kết duyên tự do với người dân tộc khác. Các thủ tục cưới hỏi cũng được đơn giản hóa đi rất nhiều. Nhà trai sắm lễ cưới đến nhà gái to hay nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Lễ cưới thường gồm vài kg thịt lợn, vài con gà, và khoảng 10 kg gạo. Các món ăn trong mâm cơm đám cưới là những thứ gia đình chuẩn bị được như thịt lợn, thịt gà, rau dưa... Đặc biệt, những nghi lễ truyền thống của dân tộc vẫn được gìn giữ.

Trong lễ cưới của đồng bào Dao, từ xưa đến nay, thầy cúng là nhân vật không thể thiếu để lễ cưới diễn ra theo đúng nghi lễ, phong tục. Trong đó, nghi lễ đón dâu là phần hết sức quan trọng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Trong phần này, có lễ tơ hồng, lễ kết duyên... Người Dao quan niệm “đi lẻ về chẵn”, bởi thế khi nhà trai đi đón dâu, thường đi lẻ là 7 hoặc 9 người để khi về tính cả cô dâu và đoàn đưa dâu của bên nhà gái số người về là chẵn.

Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể phải mặc trang phục truyền thống. Trang phục này do chính tay cô dâu chuẩn bị, có thêu nhiều hoa văn. Áo, yếm, thắt lưng đều được chuẩn bị mỗi thứ có hai cái. Theo quan niệm của họ thì mặc như vậy thể hiện sự có đôi. Trong dịp này, các đồ trang sức đẹp đều được sử dụng. Nếu bộ trang phục hàng ngày của nữ giới phần gấu áo phía dưới được vắt chéo, giắt lên phía thắt lưng thì bộ trang phục ngày cưới, áo dài được buông xuống. Khăn đội đầu trang trí thêm nhiều hạt cườm, len màu. Cách đội khăn cũng khác ngày thường, đặc biệt là tấm vải đỏ đội lên đầu, che kín mặt cô dâu. Theo người Dao, đội khăn như vậy không ai nhìn thấy mặt cô dâu, tránh những điều xấu làm hại, cũng là để cô dâu không ngại. Hơn nữa, màu đỏ là màu tốt lành, may mắn. Chiếc khăn che mặt này chỉ dùng 1 lần, những người lấy chồng lần 2 không được dùng. Bộ trang phục cưới không có xà cạp quấn chân. Cô dâu cũng sử dụng thêm các phụ kiện trang sức như vòng cổ, vòng tay, dây chuyền. Còn trang phục của chú rể lại khá nhẹ nhàng khi chỉ có một chiếc áo truyền thống thêu hoa văn đơn giản và một chiếc mũ vải có thêu hoa văn.

Ngày nay, nhiều chàng trai, cô gái dân tộc Dao kết duyên với người ngoài, họ thường mặc trang phục truyền thống trong lúc làm lễ tại gia đình mình, và có thể mặc cả trang phục cưới hiện đại khi chụp ảnh cưới, sang nhà bạn đời. Nếu lấy chồng người ngoài, nhà gái sẽ tự sắm chăn, chậu, móc, nón… mang đến nhà trai.

Khi đoàn đón dâu về đến cổng nhà chú rể, ông bà, bố mẹ chú rể sẽ tạm tránh. Còn cô dâu sẽ đi sang nhà hàng xóm để chỉnh trang lại trang phục xong mới tiến vào nhà trai. Khi đó, chú rể cùng họ nhà trai đã có mặt sẵn trước ban thờ tổ tiên, cô dâu tiến vào và đứng sau chú rể để làm lễ tơ hồng. Đây được coi là nghi lễ quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định việc cô dâu chính thức kết duyên cùng chú rể, các thủ tục như làm lễ bùa yêu, lễ kết duyên, lễ tổ tiên,… sẽ được thầy cúng thực hiện trong vòng một tiếng đồng hồ.

Kết thúc lễ tơ hồng, chú rể quay xuống chào đoàn đưa dâu bên nhà gái và mời vào mâm cỗ. Trong bữa cơm, có một nghi thức nhất thiết phải tiến hành, đó là lễ dạy bảo đôi vợ chồng trẻ. Đến lúc này cô dâu mới chính thức là con dâu trong nhà, phải quấn áo lên, bắt tay vào công việc tiếp khách. Khi những người cao tuổi, bố chồng ăn xong, cô dâu phải mang nước rửa tay, khăn lau đến cho mọi người, dọn mâm bát đi rửa. Sau khi cỗ bàn kết thúc, đoàn nhà gái chuẩn bị về thì sẽ có một lễ cuối cùng trong ngày cưới đó là lễ trao quà. Đây là nghi lễ mà gia đình nhà gái, bạn bè của cô dâu, chú rể sẽ tặng quà mừng, chúc phúc, dặn dò cô dâu chú rể trước khi ra về. Những quà mừng là sự chuẩn bị cho cuộc sống tự lập của đôi vợ chồng trẻ. Đại diện nhà gái từng người căn dặn cô dâu, chú rể cách ứng xử với bố mẹ, vợ chồng trong cuộc sống…

Đặc biệt, trong lễ cưới của người Dao còn có lễ lại mặt. Khoảng một tuần sau đám cưới, khi chọn được ngày tốt, chú rể cùng đại diện nhà trai sẽ sang nhà cô dâu để “lại mặt”. Nghi lễ này có ý nghĩa là chú rể thể hiện sự tôn kính chào hỏi bề trên, ra mắt nhà vợ. Những người đến dự lễ này chỉ có anh em ruột thịt của hai bên gia đình dòng họ, để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới, tạo không khí vui vẻ, gần gũi và gắn kết giữa hai bên gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng đám cưới của người Dao ở Ba Vì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO