Ấn tượng khuôn viên nhà truyền thống của đồng bào Chăm

Tùng Linh 02/10/2020 09:00

Người Chăm sở hữu kho di sản văn hóa từ lâu đời, thể hiện qua ẩm thực, trang phục, kiến trúc... Trong đó, khuôn viên nhà truyền thống của người Chăm được ví như cả một công trình văn hóa đặc sắc.

Nhà dân tộc Chăm Ninh Thuận dựng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nghiên cứu của các thành viên Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết: Trong làng Chăm, các ngôi nhà bố trí rất đẹp, các ngõ ngách, đường trong làng theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây rất rõ, thành ra khuôn viên của gia đình, dòng họ người Chăm thường ở trong cùng một đường theo nhánh thẳng ở một khu vực.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, con gái lấy chồng vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Chồng phải theo vợ về ở rể. Trong 3 nhánh Chăm sinh sống ở nước ta gồm Chăm Bà-la-môn, Chăm Bà-ni, Chăm Islam thì khuôn viên truyền thống của nhà đồng bào Chăm (nhóm Chăm Bà-la-môn) ở tỉnh Ninh Thuận là quần thể kiến trúc thể hiện rõ nét văn hóa truyền thống và lối sống đặc sắc của người Chăm.

Trong đại gia đình mẫu hệ người Chăm, mỗi cặp vợ chồng chị em gái có một ngôi nhà riêng, vì thế mỗi khuôn viên nhà ở truyền thống của người Chăm không chỉ có một ngôi nhà mà số lượng nhà trong khuôn viên phụ thuộc vào việc gia đình đó có mấy người phụ nữ đã kết hôn. Ngoài ra số lượng ngôi nhà trong khuôn viên còn phụ thuộc vào việc gia đình đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội.

Trong gia đình tầng lớp chức sắc quý tộc, khuôn viên sẽ có đủ 7 ngôi nhà, còn tầng lớp dân nghèo thường chỉ có 5 ngôi nhà. Trong 7 ngôi nhà của tầng lớp chức sắc quý tộc bắt buộc phải có 5 ngôi nhà ở. Đầu tiên là nhà bếp (thang ging), nhà tục (thang yơ)- nơi dành cho đôi vợ chồng mới cưới ở. Đây là ngôi nhà quan trọng nhất của người Chăm vì mọi nghi lễ của gia đình (tang ma, cưới hỏi…) đều diễn ra nơi đây.

Tiếp đó là nhà ngang (thang lâm)- nơi bố mẹ và các anh chị em chưa vợ, chưa chồng ở. Sau nhà ngang là nhà song hay còn gọi là nhà kề (thang mư yâu). Đây là ngôi nhà mà vợ chồng người chị gái đầu sẽ ở khi cô em gái thứ hai lấy chồng, nhường lại ngôi nhà tục cho vợ chồng em gái. Cuối cùng là đến nhà cao (thang tông)- ngôi nhà dành cho người già, người có chức sắc. Đối với tầng lớp chức sắc quý tộc thì có thêm 2 ngôi nhà nữa là nhà để công cụ cày bừa cuốc xẻng và nhà để cối xay, cối giã.

Trong những ngôi nhà đó thì thang yơ (nhà tục) là nhà quan trọng nhất, đầu tiên trong khuôn viên. Thang yơ có một tên gọi khác nhà lũng. Nhà lũng chỉ dành cho tầng lớp dân nghèo. Vẫn kiến trúc ngôi nhà ấy, vẫn được dựng ở vị trí ấy trong khuôn viên, vẫn là nơi diễn ra những nghi lễ trong gia đình như cưới hỏi, cúng gia tiên, nhưng các tầng lớp khác thì gọi là thang yơ, còn nhà của người dân nghèo thì gọi là nhà lũng. Cũng tương tự như tên gọi của nhà ngang sẽ là thang cần (đối với tầng lớp dân nghèo) thay vì gọi thang lâm như các gia đình chức sắc quý tộc… Đó cũng là biểu hiện của sự phân hóa xã hội trong đồng bào người Chăm.

Nhà thang lâm trong khuôn viên nhà Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Trong các ngôi nhà ấy, thang ging (nhà bếp) và thang yơ (nhà tục)- nơi cặp vợ chồng sinh con đẻ cái, cử hành các nghi lễ, tục lệ ma chay luôn là 2 ngôi nhà được cất dựng đầu tiên với mong muốn sự ấm no đủ đầy.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm Sử Văn Ngọc từng ví, 5 ngôi nhà chính của người Chăm thể hiện như 5 ngòn tay trên một bàn tay hoặc thể hiện cho ngũ hành. Nếu thiếu một trong 5 cái này thì mọi vật trên thế gian này sẽ không tồn tại. Và nếu thiếu 1 trong 5 ngôi nhà này thì một khuôn viên không đủ để phát triển bền vững.

Đặc biệt trong ngôi nhà thang lâm, có một vật dụng giống như cái rương để cất giữ của cải, tiền bạc, những món đồ quý giá. Đó cũng là nơi ngủ nghỉ của ông chủ nhà. Khi cần lấy món đồ nào đó được giữ trong rương thì người Chăm phải chọn ngày tốt, bởi theo quan niệm của đồng bào, ngày không tốt thì lấy 1 thôi sẽ đi theo 10.

Nguyên vật liệu để làm nhà truyền thống của người Chăm hầu hết được làm từ gỗ. Mái lợp bằng tranh. Mọi việc được tiến hành hết sức cầu kỳ và tỉ mỉ từ việc đóng cọc, chọn hàng rào để đánh dấu khuôn viên nhà.

Hiện nay, khuôn viên nhà ở của đồng bào Chăm đã có những biến đổi. Hầu hết bà con người Chăm bây giờ làm nhà theo điều kiện kinh tế, đơn giản hơn với các loại nhà xây bằng gạch, lợp mái tôn là chủ yếu. Ở Ninh Thuận, cũng chỉ còn một vài gia đình lưu giữ lại được 2, 3 ngôi nhà nhỏ truyền thống. Tuy nhiên, một số tục lệ, kiêng kỵ trong văn hóa truyền thống của người Chăm đến nay vẫn được lưu giữ ở địa phương như sinh ra ở ngôi nhà nào thì chết tại ngôi nhà đó, hoặc khi vào nhà người Chăm kiêng không huýt gió, không chắp tay phía sau, không đứng ngó nghiêng bên ngoài mà phải đi thẳng vào nhà...

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện có một số nhà của đồng bào Chăm được dựng lại để khách tham quan tìm hiểu, cũng là gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của người Chăm. Những ngôi nhà này đều là nhà ở của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận. Nhà thang lâm năm 2001 dựng tại đây là nhà của ông Dương Tấn Phát (thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Đến nay, ngôi nhà này đã trải qua hơn 5 đời và là 1 trong 4 ngôi thang lâm có hơn 100 tuổi còn lại ở địa phương. Năm 2004, Bảo thàng Dân tộc học Việt Nam cũng dựng nhà thang mư yâu là nhà của bà Nại Thị Của (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng khuôn viên nhà truyền thống của đồng bào Chăm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO