Ấn tượng Mặt trận

P.V 11/02/2021 09:00

LTS: Năm 2020 khó khăn chồng chất từ dịch bệnh và bão lũ. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nối xứng đáng với truyền thống 90 năm vẻ vang, đã một lần nữa phát huy vai trò, vị trí của mình, tập hợp đoàn kết nhân dân, động viên nhân dân chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn thách thức. Từ trong gian khó, càng sáng ngời thêm nghĩa Đồng bào, sáng ngời những phẩm chất Việt Nam, đoàn kết đồng lòng, tương thân tương ái.

Có thể nói rằng năm 2020, công tác Mặt trận đạt được những hiệu quả rõ rệt, tăng cường đồng thuận xã hội và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm hỏi bà con.

Chung sức chung lòng viết tiếp trang sử vẻ vang

Trong bài viết đăng trên Đại Đoàn kết số đặc biệt, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã cho rằng, lịch sử 90 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, là hành trang để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới, mở rộng, thực hiện tốt sứ mệnh của mình trên con đường phát triển của đất nước. Trong đó, có 5 bài học được Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đưa ra gồm:

“Thứ nhất, hoạt động của Mặt trận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, đường lối về đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở quan trọng để Mặt trận thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, hoạt động của Mặt trận phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Cán bộ Mặt trận cần gắn bó, sâu sát với nhân dân để lắng nghe và phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ủy ban Mặt trận các cấp phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, phải không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt về phương thức hoạt động; xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, rõ địa bàn và đối tượng; lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động chủ yếu; chú trọng phát triển, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước để bảo đảm về cơ chế, chính sách và điều kiện hoạt động; hiệp thương, thống nhất, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho công tác Mặt trận.

Thứ năm, xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động, uy tín của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Cán bộ Mặt trận phải có năng lực, tâm huyết với công việc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời cần phát huy tốt lực lượng cộng tác viên, chuyên gia... Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Mặt trận.”

Cũng trong bài viết này, cho rằng sự nghiệp đổi mới ngày nay đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi đan xen với không ít thách thức, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Mặt trận sẽ thực hiện trong thời gian tới:

“Một là, tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động tham gia hiệu quả công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hai là, bám sát thực tiễn của đất nước, dự báo sát tình hình, chủ động phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các địa phương giải quyết những thách thức, vấn đề mới phát sinh, nhất là từ cơ sở; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng, phản biện tích cực của nhân dân để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Ba là, tiếp tục làm nòng cốt trong vận động, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công với đất nước, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng nếp sống văn minh, tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp; phê phán những việc làm xấu, hành vi thiếu văn minh, trái với truyền thống văn hóa của dân tộc. Khích lệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, quy định về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp giải quyết hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.”

Nhân dân đồng tình ủng hộ

Nói về năm 2020 với mục tiêu kép là phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trong trả lời phỏng vấn trên báo Đại Đoàn kết cho rằng:

“Nổi bật là cuộc vận động nhân dân tham gia đóng góp Quỹ phòng chống Covid-19 cả bằng hiện vật, cả bằng tiền của và công sức với tinh thần như lời kêu gọi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống covid. Ngày 27/3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN ra lời kêu gọi. Chưa đầy 2 tháng đã có kết quả đáng ghi nhận là hàng triệu triệu tổ chức cá nhân nhiệt tình tham gia đóng góp, với tinh thần đoàn kết nhân ái tự nguyện tham gia.

Tuy số tiền không phải là lớn so với ngân sách nhà nước nhưng nó thể hiện sự đoàn kết quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mọi người dân, không những người Việt Nam trong nước mà kể cả các tổ chức quốc tế ở Việt Nam và đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia hết sức tích cực quyên góp vận động để gửi về trong nước.”

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, từ trước đến nay, Mặt trận đã chủ trì phát động nhiều cuộc vận động đóng góp nhưng có lẽ chưa bao giờ có một cuộc vận động rộng khắp như thế, nhanh như thế và có được nhiều các tầng lớp xã hội tham gia một cách nhiệt tình như thế: “Kinh nghiệm cho thấy trong lúc đất nước gặp khó khăn nếu chúng ta biết phát động tốt, tuyên truyền tốt, nếu chúng ta làm cho người dân hiểu và khơi dậy được lòng yêu nước thì người dân sẽ đồng tình ủng hộ. Từ đó đã đạt được kết quả như vậy. Nhân dân lúc nào cũng sẵn sàng cùng Đảng, Nhà nước tháo gỡ khó khăn”.

Lịch sử vẻ vang 90 năm của Mặt trận Dân tộc thống nhất là một dòng chảy liên tục của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết, được soi sáng và nâng lên một tầm cao và chiều sâu mới bởi chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết trong tổ chức Mặt trận tạo nên những kỳ tích vĩ đại, làm rạng rỡ non sông. Đó là tiền đề để chúng ta chung sức, chung lòng viết tiếp những trang sử vàng từ một triết lý lịch sử: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
(Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO