[ẢNH] Ấn tượng Sùng A Lùng

Minh Trang 14/10/2021 18:40

Sùng A Lùng đã để lại dấu ấn nghệ thuật của mình trên sân khấu đương đại Việt Nam trong thời gian qua. Sinh năm 1993 tại Lai Châu, Sùng A Lùng  đã khiến công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

1. Vẻ bên ngoài, nếu mới gặp, ít ai nghĩ Sùng A Lùng là người Mông, lớn lên giữa vùng rừng núi nhiều khó khăn: bản Chản Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Bởi khác với đa số trai bản Mông, Sùng A Lùng có làn da trắng, gương mặt thư sinh.

Sinh ra trong gia đình nghèo, có 3 em trai và 1 em gái, tuổi thơ của A Lùng gắn liền với nương rẫy, núi đồi. 3 tuổi, Lùng đã theo mẹ lên nương, 4 tuổi đã địu em sau lưng đi nhặt những hạt thóc rơi vụn trên ruộng đồng. Lùng kể, mùa nắng thì cháy da, mùa mưa thì lúc nào người cũng ướt sũng bởi cậu là anh trai cả trong nhà nên phải phụ cha mẹ kiếm cái ăn.

Lớp 1, Lùng học tại bản. Hết lớp 1 chỉ biết nói đúng hai từ “không biết”. Lớp 2 anh được chuyển lên xã học. Trường học cách bản mấy quả đồi nên anh và các bạn phải dựng lều ở tại đó. Mỗi tuần về thăm nhà một lần, thăm bố mẹ, chơi với em được hơn một ngày rồi lại trèo đèo, lội suối, cuốc bộ qua mấy quả núi về trường với 10 bát gạo sau lưng. Lớp 6, Lùng được xuống huyện học nội trú nên cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. Không chỉ học văn hóa tốt, Lùng còn có năng khiếu đặc biệt về múa. Năm lớp 8, Lùng đạt giải nhất huyện bộ môn múa, năm lớp 9 đạt giải nhất tỉnh và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật quân đội.

Kể từ đó, bước qua những lạ lẫm nơi cuộc sống đô thành, Sùng A Lùng không ngừng nỗ lực và nhanh chóng hòa nhập. Bởi anh xác định, đó là con đường duy nhất giúp anh vượt qua cái đói, cái nghèo.

Sau 2 năm học múa chuyên nghiệp, Sùng A Lùng đã được tuyển vào làm tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Học thêm 3 năm chuyên ngành múa hệ Trung cấp, anh chính thức trở thành nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Cái tên chàng trai Mông Sùng A Lùng đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với làng múa.

Nhưng có một bước ngoặt lớn, đó là năm 2014, anh quyết định rời Hà Nội vào TP HCM lập nghiệp. Bước chuyển này, với nhiều nghệ sĩ khác, đã không dễ dàng. Thế nhưng, với Sùng A Lùng, dường như rất nhẹ nhàng. Anh yêu Hà Nội, nhưng tự thấy hợp với TP HCM hơn. Và từ mảnh đất mới này, cái tên Sùng A Lùng tiếp tục tỏa sáng…

2. Vào TP HCM, Sùng A Lùng đầu quân vào Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM (HBSO). Tại đây, anh được “đo ni đóng giày” cho những vai có tâm lý nhân vật phức tạp, mà Tú Bà trong Ballet Kiều đã cho thấy sự lựa chọn của Tổng đạo diễn, Biên đạo múa Tuyết Minh là khó có thể thay thế. Có thể nói, nhân vật Tú Bà là điểm nhấn ấn tượng về diễn xuất. Qua sự hóa thân của Sùng A Lùng, vai phản diện trong tác phẩm hiện lên sống động, rõ nét.

Sùng A Lùng (x) cùng các bạn diễn trong một tác phẩm của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM.

Sau đó, Sùng A Lùng đã tham gia nhiều vở, như “Mái nhà”, “Ru đêm”, “Đi qua tình yêu”, “Cà phê Sài Gòn”, “Mùa xuân thiêng liêng”, “Falling Angles” và liên tiếp tạo thêm những dấu ấn cá nhân qua từng vai diễn. Anh cũng đã đạt được một số thành tích đáng kể như huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng Biên đạo trẻ toàn quốc năm 2016; năm 2019 là nghệ sĩ múa Việt Nam được mời tham dự Liên hoan Múa các nước châu Á tại Bắc Kinh; giải A tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TP HCM mở rộng năm 2020…

Ngoài là diễn viên, Lùng đồng thời biên đạo cho khá nhiều tác phẩm được diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp, điều đó cho thấy tài năng và sự hăng say lao động nghệ thuật của một nghệ sĩ trẻ. Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, tổng đạo diễn nhiều chương trình quy mô của HBSO đã nhận xét về Sùng A Lùng: “Tố chất đặc biệt của Lùng là múa mà như không múa, chuyển động một cách tự nhiên và bản năng. Ngoài chuyện là một diễn viên múa đương đại được đánh giá cao, Lùng còn có khả năng tư duy về biên đạo múa khá tốt, có thể nói Lùng sẽ là một ẩn số thú vị của biên đạo múa Việt Nam”.

Sùng A Lùng từng tâm sự: “Mình đến với múa cũng tự nhiên lắm. Hồi học ở huyện, mình là đứa con trai duy nhất trong lớp xung phong tham gia đội múa. Trong các buổi văn nghệ một mình mình là nam múa với một nhóm bạn nữ. Sau đó đi thi, đạt giải và được tuyển thẳng và Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật. Tự nhiên mình đam mê múa lúc nào không hay”.

Sùng A Lùng trên đường phố TP HCM.

3. Thời gian gần đây, khi TP HCM bị đại dịch Covid-19 bủa vây, Sùng A Lùng đã tham gia cùng bộ đội và các bạn tình nguyện viên nhận thực phẩm, nhu yếu phẩm và phân chia gói an sinh tại phường 9, quận 6. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ đội xét nghiệm nhanh của phường và trao quà cho các bệnh nhân F0. Để giữ an toàn cho bạn bè sống cùng nhà, anh đã chọn ở lại ký túc xá của phường và thực hiện “3 tại chỗ”.

“Không chỉ mình mà tất cả mọi người đều vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ, có mệt mỏi thì cũng “quên hết”. Mình sẽ tiếp tục tham gia tình nguyện đến khi mình còn có thể, bằng tất cả trái tim của mình”, Sùng A Lùng chia sẻ.

Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng trong MV của ca sĩ Bích Phương.

Trong những cuộc trò chuyện, Sùng A Lùng thường kể rằng, ở quê anh bây giờ, người Mông nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh nhiều hơn tiếng Mông. Nhất là lứa trẻ sinh năm 2000 trở đi, không còn biết tiếng của đồng bào mình nữa. Mỗi khi về quê, A Lùng thường nói với các em của mình phải thường xuyên nói tiếng dân tộc mình.

Theo Sùng A Lùng, ngôn ngữ là cái gốc của mình. “Tôi yêu thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi nên tôi muốn gìn giữ nó như một phần thiết thân của mình”, Sùng A Lùng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [ẢNH] Ấn tượng Sùng A Lùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO