‘Anh hùng’ đời thường

Tinh Anh 01/03/2021 06:49

Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vừa trao giấy khen cho anh Trần Văn Tròn (20 tuổi, trú tại khối phố Hà Quảng Đông, phường Điện Dương) vì đã có hành động dũng cảm cứu được 3 em nhỏ bị đuối nước khi tắm biển. Với hành động phi thường của mình, anh Tròn được người dân địa phương tôn xưng anh hùng giữa đời thường.

Anh Trần Văn Tròn, người dũng cảm lao mình xuống biển cứu các em nhỏ. Ảnh: T.N.

Cách đây mấy ngày, khi phát hiện 4 em nhỏ đang chới với giữa vùng nước xoáy ngoài biển, ngay lập tức anh Tròn lao mình xuống dòng nước cố gắng đưa các em vào bờ. Song, dù cố gắng nỗ lực hết sức, anh Tròn cũng chỉ có thể cứu sống được 3 trong số 4 em nhỏ. Do kiệt sức nên anh Tròn không thể cứu được em nhỏ thứ 4 đã bị chìm xuống biển.

Hành động dũng cảm của anh Trần Văn Tròn xứng đáng được khen ngợi, biểu dương để làm gương cho thanh niên thị xã Điện Bàn nói riêng và thanh niên trên toàn quốc nói chung học tập, noi theo. Đó là lý do mà UBND thị xã Điện Bàn quyết định trao tặng giấy khen cho anh Tròn vì không màng nguy hiểm, sẵn sàng cứu giúp người bị nạn.

Nói thì dễ nhưng khi gặp trường hợp tương tự, không phải ai cũng đủ sự dũng cảm, dám xả thân để cứu giúp người bị nạn giữa dòng nước xoáy. Nhiều người dù bơi rất giỏi, nhưng thay vì lựa chọn lao xuống dòng nước cứu người lại lựa chọn giải pháp lẳng lặng bỏ đi, hoặc cùng lắm là hô hoán người khác đến cứu giúp người bị nạn.

Nỗi lo sợ, sự ích kỷ đều có trong mỗi con người. Chỉ có điều người ta cân bằng nỗi lo sợ và sự ích kỷ đó như thế nào, thể hiện ra sao, vào thời điểm nào mà thôi. Nếu nói có những người không sợ chết là không đúng, bởi ai cũng chỉ có thể sống một lần và không có cơ hội để “làm lại”. Vì thế, có không ít người lựa chọn bỏ mặc người bị nạn.

Trong trường hợp này, thử hỏi anh Trần Văn Tròn có biết quý trọng mạng sống của bản thân không? Chắc chắn là có chứ! Nhưng trong lúc nguy cấp sinh tử, anh Tròn đã lựa chọn xả thân cứu giúp các em nhỏ, dù có phải hy sinh tính mạng của mình. Chẳng phải kinh Phật vẫn có câu, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa đó sao?

Giữa ranh giới của sự sống chết, anh Trần Văn Tròn đã lựa chọn một việc đúng đắn, thiện tâm, dù có phải đánh đổi, trả giá bằng chính sinh mạng của bản thân mình. Tấm lòng nhân hậu, vị tha ấy dễ mấy ai có được? Trong một xã hội hiện đại, không ít người có lối sống thực dụng, ích kỷ, thì việc chấp nhận hy sinh cứu người không nhiều.

Từng có những tấm gương xả thân cứu người bị nạn như anh Trần Văn Tròn, nhưng họ không có được cái may mắn như anh, đó là vừa cứu được người bị nạn, vừa đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân. Họ ra đi thanh thản trong nỗ lực làm một việc có ý nghĩa, đó là cố gắng cứu một mạng người thay vì xây bảy tòa tháp phù đồ.

Có thể đơn cử như trường hợp của anh Phạm Văn Phó (41 tuổi, ở xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), bảo vệ nhà hàng Mỹ Khê. Trong nỗ lực cứu một học sinh lớp 10 đang chới với giữa biển nước mênh mông, anh đã không có cơ hội để trở vào bờ nữa. Song, cái chết của anh Phó đã “tạc” vào tâm tưởng của cả xã hội vì lòng dũng cảm.

Còn khá nhiều những gương người tốt, dũng cảm dám chấp nhận hiểm nguy vì mọi người, vì cộng đồng mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết. Song, điểm chung ở họ là tấm lòng nhân hậu, không đặt sự sống chết của bản thân lên trên những điều nhân đức, nhân cách của họ vô cùng cao cả, trong sáng sánh cùng nhật nguyệt.

Thực tế thì những con người có tinh thần dũng cảm, dám đối mặt với tử thần để giành lại sự sống cho người bị nạn vốn đã là “anh hùng” trong lòng tất cả mọi người. Song, lúc họ quyết định đánh đổi sự sống của bản thân, lao vào nguy hiểm để cứu giúp người bị nạn, chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ được biểu dương, hay mưu cầu bất cứ điều gì.

Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, sự sống chết của nạn nhân chỉ trong tích tắc, những con người dũng cảm đó không thể suy nghĩ nhiều. Vì thế, hành động lao xuống dòng nước xiết để cứu giúp nạn nhân hoàn toàn xuất phát từ một tâm hồn cao thượng, một trái tim nhân hậu bao la, chứ không có chỗ cho sự tính toán hơn thiệt, được mất của bản thân.

Và đó chính là điểm đáng quý, đáng trân trọng nhất của những con người dũng cảm, luôn sống với phương châm mình vì mọi người. Dù bản thân họ luôn tự coi việc cứu người là chuyện đương nhiên, ai cũng sẽ làm vậy nếu gặp hoàn cảnh tương tự. Song, xã hội vẫn luôn biết ơn, muốn được tôn vinh và coi họ là những anh hùng giữa đời thường, dù Nhà nước chưa có danh hiệu anh hùng cho hành động dũng cảm của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Anh hùng’ đời thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO