Ảnh hưởng

Trần Hữu Thăng 21/04/2020 15:20

Tất cả các sách giáo khoa trên thế giới đều dạy con người nên tìm đến chỗ sáng mà đọc sách, nên tìm đến bạn tốt mà chơi.

Ảnh hưởng

Ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu dễ nhớ, dễ thuộc mà vô cùng sâu sắc và thực tế đời thường. Đó là: “Gần mực thì đen/ Gần đèn thì sáng”. Đó là: “Tìm nơi có đức mà gửi thân/ Tìm nơi có nhân mà gửi của”. Đó là: “Ở bầu thì tròn/ Ở ống thì dài”.

Bài viết nhỏ này muốn bàn về sự ảnh hưởng, cái ảnh hưởng của xã hội, của cộng đồng đến từng con người, hoặc ngược lại, từ người này ảnh hưởng đến người khác, từ một người ảnh hưởng đến cộng đồng.

Theo “Từ điển tiếng Việt”, trang 5 thì: “Ảnh hưởng là tác động hoặc làm cho chịu sự tác động để có thể đưa đến kết quả ở sự vật hoặc người nào đó. Thí dụ: Ảnh hưởng của khí hậu đối với cây cối. Ảnh hưởng của gia đình. Sự giáo dục của gia đình ảnh hưởng tốt đến các con”.

Đại thi hào Nguyễn Du thật tài tình đã xét đoán đúng lòng người lúc gặp phải cảnh buồn, cảnh khổ thì dù bên ngoài có tưng bừng, náo nhiệt đến đâu con người cũng cảm thấy buồn chán: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Còn triết gia Alfred Tennyson (1809 – 1892) thì cắt nghĩa các cơ chế của sự ảnh hưởng chính là sự tác động giữa cá thể với cá thể mà ta đã gặp giữa dòng đời ồn ào tấp nập. Ông viết: “Tôi là một phần của những gì tôi đã gặp”. Nếu đời ta gặp may được tiếp xúc với người đứng đắn, đàng hoàng, rồi học hỏi người ta được phần nào thì sẽ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Nếu không may gặp phải người xấu, có nhiều mưu hèn, kế bẩn để thăng tiến, để làm giầu bất chính thì đời ta chắc chắn sẽ hoài phí, đi đến chỗ sa đọa. Vì thế, nếu ta xác định rõ cái cơ chế “là một phần” của những người mình sẽ tiếp xúc, những việc sẽ tham gia thì phải hết sức thận trọng khi giao tiếp, khi kết bạn làm ăn.

Có người lại nghĩ rằng: “Dù mình có gặp gỡ tiếp xúc với người xấu, người ác, việc xấu, việc dở, nhưng mình cứ ngay thẳng, đàng hoàng thì có sợ gì!”. Thật là nhầm to, thật là nhầm lẫn tai hai!

Ngạn ngữ cổ của người Đức đã dạy con người: “Khi một con bồ câu kết hợp với những con quạ, tuy bộ lông của nó vẫn giữ mầu trắng nhưng quả tim nó đã bị nhuộm đen”.

Trong thực tế đời sống đã có bao nhiêu thí dụ về “những trái tim đã bị nhuộm đen”.

- Trong chiến tranh gian khổ, anh A rất dũng cảm, luôn cố gắng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ và trở thành người chỉ huy gương mẫu. Hòa bình lập lại, anh giữ một vị trí quan trọng ở cấp Bộ. Cuộc sống vật chất đã khiến anh A mờ mắt, dấn sâu vào con đường tội lỗi và cái kết là phải vào trại giam với mức án 10 năm tù. Giờ đây anh A đã hối hận nhưng quá muộn vì anh đã không thuộc bài học “ảnh hưởng” của cái xấu, cái ác nên phải trả giá quá đắt!

- Khi sang Đài Loan làm người giúp việc gia đình, chị B cũng gửi được 2 lần tiền về giúp gia đình sửa lại nhà và có vốn chăn nuôi lợn. Dần dần do bạn bè xấu rủ rê, chơi bời, dẫn đến cái kết không ngờ là B đã có thai ngoài ý muốn. Luật của nước sở tại không được phá thai. Để bụng to quay về nước thì nhục nhã. B đã tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời ngắn ngủi. Tất cả chỉ vì cái ảnh hưởng xấu của đám bạn bè xấu nơi xứ người mà chị B nên nông nỗi ấy.

Về cái ảnh hưởng xấu thì có nhiều chuyện đau lòng trong đời sống hàng ngày mà kể mãi không hết. Nhiều tác giả có nhận xét rất sâu sắc là: Vì người ta chỉ né tránh, đề phòng cái to, cái lớn, những người có địa vị... mà ít để ý đến cái nhỏ, ít để ý đến những người “không đáng kể”. Rất tiếc, trong xã hội hiện đại, những người đang sống, đang kiếm ăn, đang đi lại trên đường phố đều “đáng kể” hết. Vì thế, mỗi cá nhân ấy dều có ảnh hưởng đến mỗi chúng ta, đến cộng đồng. Tác giả Henry Ward Beecher (1813 – 1887) đã nói rất đúng: “Ngay đến cả một cá nhân tầm thường nhất cũng làm nên được một số ảnh hưởng hoặc tốt, hoặc xấu cho người khác”. Quán triệt ý này của Beecher ta thấy rất cần thận trọng trong giao tiếp hàng ngày để tránh bị ảnh hưởng của cái xấu, cứ dần dần, cứ tí một của đối tượng “không đáng để ý” hoặc “bị xem thường” gây ra tai họa cho mình. Như thế, cái “ảnh hưởng” xấu gây hại cho ta còn có thêm yếu tố chủ quan của từng cá nhân, nghĩa là có xem thường mà không đề phòng, hoặc thận trọng xem xét mà có phòng bị tốt. “Ảnh hưởng” hoặc “bị ảnh hưởng” đều có hai mặt như muôn vàn các sự kiện, hiện tượng khác trong xã hội đời thường.

Cổ ngữ Đông phương từ rất xa xưa cũng đã từng nhắc nhở: “Gần son thì đỏ/ Gần mực thì đen” (Cận châu giả xích/ Cận mạc giả hắc). Điều này ai cũng biết, nhưng mấy ai áp dụng được, vì muốn gần được son thì mình cũng phải tu dưỡng, phấn đấu để “sắp thành son” đã rồi mới mong gần được son. Còn muốn gần mực thì quá dễ, chỉ cần sống buông thả, chỉ cần sống theo bản năng là được gần. Khi con người đã trưởng thành mới thấm thía câu ca dao cũ của ông bà ta để lại: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Còn người Pháp cổ cũng chân tình dạy con cháu khi bước vào đời: “Nơi nào không có sự khuyên can, nơi ấy không có sự giúp đỡ”.

Chao ôi, cái sự thật cay đắng, cái lời khuyên can chua chát ở đời liệu có thuận lòng với con người bé mọn chỉ quen được âu yếm vuốt ve không? Nhiều người trưởng thành dù đã biết chắc tác hại của những “viên đạn bọc đường”, dù biết chắc “những nơi cay đắng là nơi thật thà”, vẫn cứ “tặc lưỡi”, vẫn cứ “nhắm mắt cho qua” để chịu cái hậu quả thê thảm của những ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng tồi tệ luôn rình rập để tha hóa con người, để làm hại con người.

Đến đây lại nhớ đến lời dạy bảo của danh nhân cổ đại là Pubilius Syrus (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) là: “Người không dễ gặp hiểm nguy là người ngay cả những lúc an toàn vẫn luôn luôn thận trọng”.

“Vẫn luôn luôn thận trọng” là kỹ năng cơ bản của con người trưởng thành và giầu lòng tự trọng, quyết không để ảnh hưởng xấu từ bên ngoài tác động vào mình. Họ biết phân biệt: “Thà để ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”, họ biết rõ quanh họ có những “ai lừa đảo, ai xót thương” để mà thận trọng chọn lựa, thận trọng đi theo, thận trọng từ bỏ. Rất nhiều tội phạm đã khóc trước tòa vì đã thiếu thận trọng chạy theo người xấu, việc xấu để dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Chính cái giây phút xúc động ấy, họ đã tỉnh ngộ hoàn lương, quyết tâm cải tạo tốt để sớm có ngày trở lại với cộng đồng.

Thế còn những ảnh hưởng tốt đẹp, ảnh hưởng tích cực đối với con người thì sao? Dễ hơn hay khó hơn cái xấu, cái tiêu cực?

Câu trả lời rất rõ ràng: “Khó hơn nhiều, vất vả hơn nhiều mới tiếp thu được, mới hưởng thụ được cái ảnh hưởng của sự tốt đẹp”. Vì sao vậy? Vì nó đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều năng lượng, phải có nhiều sức lực để thắng được “cái tôi” u ám, thắng được cái “tham” bản năng. Phải công nhận người khác giỏi hơn mình, tốt hơn mình thì mới tìm cách để học người ta, làm theo người ta và mới mong có cơ hội để tự vươn lên được. Quá trình ấy khó nhọc lắm, đúng như lời hướng dẫn của Hoàng đế nước Anh là John (1167 – 1216) khi ông phát hiện ra “cái ánh sáng” có ảnh hưởng đến cả cuộc đời mỗi con người là ánh sáng soi đường cho ta, khi ông viết: “Cái ánh sáng thật sự là cái ánh sáng soi đường cho mỗi con người đi vào cuộc đời”.

Xin chúc cho tất cả chúng ta có may mắn gặp được cái ánh sáng kỳ diệu ấy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ảnh hưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO