[Ảnh]: Thủ phủ quất cảnh xứ Thanh hối hả vào Tết

Đình Minh 05/01/2023 12:58

Thời điểm Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề, không khí lao động tại xã Hợp Lý, Hợp Tiến huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) lại trở nên vô cùng khẩn trương khi người mua, thương lái đổ về để đặt hàng cả trăm cây quất cảnh.

Từng là thủ phủ trồng quất cảnh ở Thanh Hóa với diện tích hơn 37 ha nhưng trong dịp cận Tết nguyên đán này, tại xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn) chỉ còn một vài hộ trồng quất trên diện tích rất nhỏ.
Là gia đình hiếm hoi còn trồng quất cảnh ở xã Hợp Lý, anh Đinh Ngọc Sỹ (44 tuổi, trú thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý) cho biết, năm nay, gia đình trồng gần 1.000 gốc quất cảnh, quất thế trên diện tích hơn 2.000 m2. "Quất cảnh năm nay rất ít người trồng, nguyên nhân chính là do đất đã cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Như vườn quất nhà tôi, đã trồng liên tục 5 năm, phải cải tạo đất, bón phân liên tục mới có thể trồng được trong năm nay. So với cây đào, quất phải chăm sóc kỹ càng hơn, giá bán lại không hơn bao nhiêu, vậy nên năm nay người dân trong xã chuyển sang trồng đào nhiều", anh Thành nói.
Theo anh Tâm, thu nhập từ cây quất của gia đình nhiều năm qua đã suy giảm khá nhiều, tuy vậy, anh cho biết vẫn cố gắng gắn bó với nghề trồng quất đến khi nào mà không thể cải tạo được đất nữa. "Mấy năm nay quất ở Hợp Lý không còn so được với quất ở Hợp Tiến nữa, người mua tại vườn cũng ít hơn mọi năm. Với giá bán trùng bình từ 100.000 - 500.000đ/cây, năm ngoái, trừ hết chi phí, tôi chỉ còn lãi được khoảng 20 triệu đồng", anh Thành tâm sự.
Theo ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết, diện tích đất trồng quất tại xã năm nay đã suy giảm rất nhiều. Hiện tại, người dân chuyển sang trồng đào, trồng cây cảnh để bán dịp Tết vì những loại cây này dễ trồng, tốn ít công chăm sóc.
Trái ngược với không khí ảm đạm tại xã Hợp Lý, người hàng xóm là xã Hợp Tiến (huyện Triệu Sơn) lại đang tất bật trên những cánh đồng khi người mua, thương lái đang ùn ùn đổ về để xem quất cảnh.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, những người trồng quất cảnh tại xã Hợp Tiến cố gắng hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng như tuốt lá, tỉa cành, gò thế, làm đẹp cho cây trước khi mang đi bán cho khách trưng Tết.
Theo tìm hiểu, toàn xã Hợp Tiến có hơn 225ha diện tích đất nông nghiệp, xã đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quất cảnh, đào cảnh với diện tích đến nay là gần 60 ha.
Là một trong hàng trăm gia đình trồng quất cảnh tại xã Hợp Tiến, năm nay, gia đình chị Lê Thị Thủy (36 tuổi, trú thôn 3) trồng gần 10.000 gốc quất trên diện tích 2 ha. "Năm ngoái nhà mình chỉ trồng trên dưới 300 cây nhưng cũng mang về lợi nhuận lên tới 50 triệu. Năm nay, cả nhà quyết tâm 'chơi lớn' khi thuê thêm đất từ UBND xã, trồng 10.000 gốc quất, trong đó có 2.000 gốc quất thế. Để đầu tư lớn như vậy, từ đầu năm, nhà mình đã vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để đầu tư cây giống, phân bóng và 5 - 6 nhân công liên tục chăm bón cho vườn quất", chị Thủy nói.
Chị Thủy hy vọng, với thời tiết thuận lợi, vụ quất năm nay, gia đình có thể bán được 50% số cây trên tổng diện tích cả vườn quất. "Năm đầu làm lớn cũng rất lo, nhưng biết sao giờ, đã đâm lao thì phải theo lao thôi. Vụ này trồng nhiều, hy vọng lớn nhất là thu lại đủ vốn, còn lời lãi, cũng không mong được nhiều", chị Thủy chia sẻ.
Theo người dân ở Hợp Tiến, quất ở đây giống từ Hưng Yên, quả to, dễ bắt quả. So với trồng lúa thì giá trị từ cây quất mang lại hiệu quả hơn nhiều.
Hiện nay, cây quất cảnh trở thành loại cây đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng cho phát triển kinh tế của xã Hợp Tiến. Tại địa phương này, nhiều gia đình trở nên khấm khá, có kinh tế nhiều hơn cũng nhờ cây quất.
Để tránh trường hợp người mua và thương lái lo ngại về việc quất tại vườn được bán hết, nhiều chủ vườn đã treo biển 'Bán quất' hoặc 'Đang còn', kèm số điện thoại trên biển để người mua tiện liên lạc.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Ảnh]: Thủ phủ quất cảnh xứ Thanh hối hả vào Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO