[ẢNH] Xác xơ Kỳ Thượng

Hạnh Nguyên 21/09/2017 10:03

Bão số 10 đã khiến vùng thâm sơn cùng cốc xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trở nên tan hoang, xơ xác.

Trận bão vần vũ 8 tiếng đồng hồ, kéo lùi sự phát triển của xã này tới… 10 năm. Mất điện, nước không có, nhà sập, lúa ướt, gạo mốc…mọi tài sản gần như bị “xóa sổ”. Cơ cực là những gì còn sót lại sau bão số 10 ở Kỳ Thượng.

Ít ai nghĩ rằng ở chốn rừng thiêng nước độc này lại bị bão tàn phá đến mức như vậy. Kỳ Thượng có địa hình lòng chão, ba phía tựa vào núi nên mọi trận cuồng phong của bão Doksuri đều quần tụ về đây, đủ thời gian để cướp đi toàn bộ của cải của người dân.

Đi tới đâu nhóm PV chúng tôi ngơ ngác, xót xa đến đó bởi Kỳ Thượng bây giờ như vừa bị hàng chục tấn bom B52 dội nát không thương tiếc.

Đường sá ngổn ngang, cây cối 2 bên đường đổ gãy ngang ngác, nhà cửa tan hoang, trẻ con, người già lâm cảnh “màn trời chiếu đất”.

Chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Văn Thảo (33 tuổi) đang cố lục tìm chút gì sót lại dưới đống đổ nát. Căn nhà lớn hai gian cộng với nhà bếp được đôi vợ chồng trẻ gây dựng chưa đầy 10 năm đã đổ sập hoàn toàn.

Mọi vật dụng như tivi, tủ lạnh, bàn ghế…nằm vất vưởng dưới đống gỗ tàn. Nhà còn mấy cân gạo để trong chiếc bao tải nhỏ cũng mốc đen kịt.

“Mồng 3 Tết tôi bị tai nạn, ảnh hưởng não, nằm một chỗ mới dậy đi lại được 2 tháng nay, mọi tiền của đều đổ vào thuốc thang. Có căn nhà thì trời đánh sập rồi, hai đứa con nhỏ phải ở cái lán này, không có điện, nóng không chịu được chúng toàn khóc”, chị Cao Thị Liên – vợ anh Thảo thổn thức nói.

Chị Liên nói trong nước mắt: “Trưa thì đem chúng ra bóng râm cây tre trú tạm chứ nỏ biết đi mô nữa…!”.

Cách nhà anh Thảo vài chục mét là ngôi nhà đổ sụp của bà Nguyễn Thị Trúc (56 tuổi). Bà Trúc là hộ “nghèo bền vững” ở thôn Bắc Tiến, chắt chiu được 10 triệu bạc, bà vay thêm hai chục triệu của Ngân hàng chính sách, mua khung nhà cũ của người trong xóm về dựng để ở chưa được 7 tháng thì giờ bị bão đánh tan.

Lực lượng công an, bộ đội đến giúp đỡ, cố tìm thứ gì còn tận dụng được để dựng lại nhà cho bà nhưng họ đành “bó tay”. Đến bây giờ khuôn mặt bà Trúc vẫn còn thất thần, từ ngày bão “phá” nhà đến nay bà Trúc chưa đêm nào ngủ được 2 tiếng đồng hồ, ngày chỉ ăn được 1 gói mỳ tôm.

Tài sản duy nhất của gia đình nạn nhân chất độc gia cam Lê Văn Thành (70 tuổi, thôn Bắc Tiến) chỉ còn lại cái giường. Bão cướp mất ngôi nhà, 4 thành viên trong nhà phải chui ra chui vào trong cái nhà tạm có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Khi PV đến, hai ông bà đang ra sau nhà sập nhặt nhạnh những thứ đổ vỡ do bão Doksuri. Bữa trưa của gia đình chỉ có thức ăn duy nhất là chuối xanh om với nước lã.

Kỳ Thượng là xã thuần nông nên toàn bộ kinh tế của người dân đều nằm ngoài đồng, bão số 10 càn quét khiến cả nhà lẫn tài sản của dân bị cuỗm đi không thương tiếc.

Không ai có thể ngờ được bão số 10 có thể khiến 1 hộ gia đình thiệt hại hơn 1,4 tỷ nhưng khi đến vườn ông Nguyễn Tá Quý (60 tuổi, thôn Tiến Thượng, thương binh 3/4) mới thấy được sự tàn phá kinh hoàng của cơn siêu bão này.

Ông Quý là là hình mẫu thương binh vượt khó, “tàn nhưng không phế” ở huyện Kỳ Anh. Chiến tranh đã làm mất đi một cánh tay nhưng không khuất phục được ý chí vươn lên của ông, thế nhưng bão số 10 lại nỡ lấy mất đi 15 năm gắng gượng của vị thương binh già.

“Cây gió trầm đến kỳ thu hoạch, nếu bán cũng được 1 cây 1 triệu đồng, bây giờ gãy đổ chỉ còn lại khoảng 100 cây. Loại gãy đổ chỉ có vứt chứ không tận dụng vào việc gì được, thuê người dọn cũng hết hàng trăm triệu rồi. Mọi vốn liếng nằm ngoài vườn, 15 năm nay chưa thu lại được gì giờ coi như xong. Cố gằng làm đến thế là cùng nhưng giờ trời lấy đi thì đành chịu thôi”, ông Quý chán ngán.

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến, toàn xã có 72 ngôi nhà bị sập, trong đó có 25 nhà sập hoàn toàn; 1.800 ngôi nhà và 12 hội quán thôn hư hỏng, tốc mái; trên 1.000 ha diện tích cây keo lá tràm, gió trầm và các loại cây ăn quả khác của người dân bị xóa sổ hoàn toàn; gần 300ha rừng tự nhiên bị “xóa sổ”… ước tính thiệt hại lên tới 218,7 tỷ đồng.

Nếu so sánh một cây gió trầm từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch phải mất ít nhất 15 năm, như vậy phải 15 năm sau người Kỳ Thượng mới có thể tạm quên đi những đau thương mất mát này. Nhưng theo tính toán của ông Vũ Trung Tiến thì cơn bão Doksuri khiến Kỳ Thượng kéo lùi sự phát triển tới 10 năm.

Khó khăn nhất của xã lúc này là vẫn chưa có điện, nguy cơ thiếu đói cao do không có điện để xay lúa. Nước cũng không có để sinh hoạt vì 100% hộ dân dùng giếng khoan, mất điện không thể bơm nước lên dùng, nhiều người phải dùng nước suối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [ẢNH] Xác xơ Kỳ Thượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO