Báo động tệ xâm hại trẻ em

H.Vũ 08/12/2019 07:23

Dù đang trong quá trình giám sát nhưng kết quả sơ bộ của 3 đoàn công tác khi đi giám sát tại 17 địa phương về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã cho thấy sự báo động về xâm hại tình dục trẻ em. Đau xót là đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em.

Báo động tệ xâm hại trẻ em

Đoàn công tác giám sát tại 17 địa phương về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

Qua giám sát tại 17 tỉnh, thành phố, đoàn giám sát nhận thấy so với giai đoạn 2011-2015, chính quyền các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có phòng chống xâm hại trẻ em. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được UBND các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Báo cáo của 3 đoàn công tác cho thấy, tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011-2015. Trẻ em bị xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau, nhưng chủ yếu là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa dạng, trong đó có cả cha mẹ, người thân thích, ruột thịt. Các đối tượng xâm hại thường lợi dụng sự sơ hở của gia đình trẻ em, trẻ em ở nhà một mình, nơi vắng vẻ, địa hình đồi núi, trẻ em thiếu hiểu biết về giới tính và khả năng phòng vệ để dụ dỗ, đe dọa và thực hiện hành vi xâm hại. Nhiều trường hợp, đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm quen, dụ dỗ, thực hiện hành vi giao cấu, hiếp dâm nạn nhân. Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra rất nghiêm trọng, có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người, một số cháu có thai, sinh con trong khi tuổi đời còn rất nhỏ.

Qua thực tế giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, trưởng đoàn công tác số 1 cho biết: Đã nổi lên một số vấn đề như tình hình xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Theo đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao trong các vụ việc xâm hại trẻ em. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em. Trong khi đó, có một số địa phương chưa tổ chức các cuộc thanh tra, giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Hầu hết các địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em theo quy định, rất ít địa phương ban hành văn bản chuyên biệt về phòng, chống xâm hại trẻ em mà chủ yếu lồng ghép với chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung.

Bà Hải nhìn nhận rằng, đang có sự buông lỏng hoặc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với trẻ em tại một số địa bàn. Có trường hợp, trẻ em bị xâm hại một thời gian dài mà chính quyền không biết, các cơ quan có trách nhiệm không biết. Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ngay tại địa phương, nhưng cơ quan có trách nhiệm chậm lên tiếng, đề nghị, xử lý. Việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại trong một số trường hợp chưa kịp thời. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về tâm lý lứa tuổi trẻ em nhưng lại ít được tập huấn, đào tạo.

Qua giám sát tại Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đà Nẵng, bà Lê Thị Nga, trưởng đoàn công tác số 2, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết trong giai đoạn 2015-2019 chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, công tác thống kê số liệu về trẻ em hầu như chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, dẫn tới tình trạng có địa phương không thống kê và đánh giá được tình hình. Ở hầu hết các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em.

“Trẻ con phải nuôi trẻ con” là điều rất xót xa

Là thành viên của đoàn công tác số 3 giám sát tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng: Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương ở nhiều nơi đối với thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn hạn chế. Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ trẻ em ít được quan tâm, gần như là không có địa phương nào ban hành nghị quyết này. Việc triển khai thực hiện được “khoán trắng” cho ngành lao động, Thương binh và Xã hội, trong khi ngành này chỉ là một mảng, không phải là tất cả. “Khi thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh, huyện thì hầu như ở nhiều nơi không nắm được vấn đề”-ông Bộ cho hay.

Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, sau khi Luật Trẻ em được ban hành, công tác này đã tiếp tục được thực hiện tốt hơn, nhưng vẫn chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa dành đủ nguồn lực. Do vậy, người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa hầu như chưa biết đến, thậm chí là cán bộ, công chức cơ sở cũng chưa nắm được. “Luật Trẻ em quy định Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền cao, nhất là thẩm quyền tiến hành cách ly trẻ em khi bị người thân xâm hại. Nhưng rất bức xúc khi nhiều trường hợp bố mẹ sau ly hôn đã đánh con tàn tệ, vẫn có một số UBND cấp xã, phường không tiến hành cách ly, để các cháu bị hành hạ hàng tháng trời. Luật Trẻ em đã ban hành được 2 năm song có vẻ quy định pháp luật chưa được phổ cập đến các đối tượng được giao quyền”-bà Hồng đưa ra dẫn chứng sau quá trình đi giám sát, từ đó đề nghị cần xây dựng môi trường lành mạnh để bảo vệ trẻ em, nhất là quan tâm môi trường ở nhà trường.

Lý giải cho quan điểm trên, theo bà Hồng, khi tuyển dụng thầy, cô giáo hay người lao động làm việc trong nhà trường chưa quan tâm đến đạo đức, và chính những đối tượng này cũng xâm hại trẻ em. Bà Hồng chỉ rõ: “Có trường hợp bảo vệ trường học đi tù do xâm hại trẻ em song sang tỉnh khác vẫn được làm bảo vệ trường học. Chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý những trường hợp trẻ em gái bị xâm hại dẫn đến mang thai. Trẻ con phải nuôi trẻ con rất xót xa cho nên nên cần phải quan tâm để xử lý triệt để”.

Sau khi dẫn chứng câu chuyện một bà mẹ đưa con bị xâm hại đi giám định tư pháp từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm vẫn chưa xong, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề nghị làm rõ, có hay không có khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực giám định tư pháp? Bà Hà đặt ra câu hỏi: Chưa bao giờ việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em lại có dịp được bàn sâu và kỹ đến như vậy, và đây là cơ hội để đưa ra giải pháp cho tương lai. Vì vậy cần phân tích sâu hơn, một Chủ tịch huyện không quan tâm, không nắm bắt được tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện mình thế nào thì làm sao chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống?.

Là thành viên của đoàn công tác số 2, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phòng, chống xâm hại trẻ em là lĩnh vực mà cơ quan nào cũng cần có sự tham gia. Bởi lẽ, Luật Trẻ em quy định cơ chế điều phối liên ngành trong bảo vệ đối tượng này tuy nhiên sự phối hợp này còn lỏng lẻo, nên số liệu báo cáo giữa các cơ quan chức năng không chính xác. Do vậy, cần quan tâm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc chỉ đạo điều hòa, phối hợp với các cơ quan có liên quan khác để thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Thực tế, tại các địa phương đoàn công tác số 2 đến làm việc nhận thấy, hầu như chưa thành lập cơ quan chuyên trách về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cấp xã. Cán bộ ở cơ sở phụ trách công tác này đang bị “rỗng chân”, nên khó cập nhật số liệu.

Yếu trong tổ chức thực hiện

Các thành viên đoàn giám sát đưa ra nhìn nhận: Hầu hết các địa phương đều mới quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung mà chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em. Chúng ta không có vướng mắc trong hệ thống pháp luật hiện hành mà chủ yếu do công tác triển khai thực hiện. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm hướng dẫn của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với những hạn chế trong công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của UBND và các sở, ban, ngành thực hiện chức năng này tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động tệ xâm hại trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO