Buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam: Làm gì để giảm nóng?

Quốc Trung 20/12/2018 08:00

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tuyến biên giới được các cơ quan chức năng nhận định rất tinh vi, thay đổi nhanh theo từng thời điểm, đặc biệt vào mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11.

Hàng lậu thường được các đối tượng tập kết sát với biên giới hoặc cất giấu trên các tàu có trọng tải lớn neo đậu trên các dòng sông chung giữa Việt Nam - Campuchia để chờ cơ hội sử dụng xe máy, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê người lén lút vận chuyển qua biên giới.

Buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam: Làm gì để giảm nóng?

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang bắt số lượng lớn thuốc lá lậu tại vùng biên.

Mới đây trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, UBND tỉnh An Giang báo cáo, tình hình buôn lậu tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp, tinh vi, có tổ chức; các đối tượng hoạt động rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối khi bị phát hiện...

Thủ đoạn tinh vi

Ông Võ Nguyên Nam - Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết: Tuyến biên giới hiện vẫn là điểm nóng của hoạt động buôn lậu. Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu tổ chức hoạt động nhanh chóng để đưa hàng đến được điểm tập kết, có lực lượng, phương tiện túc trực sẵn để nhanh chóng đưa hàng đi tiêu thụ. Các đối tượng buôn lậu thường hoạt động vào lúc đêm khuya hoặc sáng sớm, luôn cử người canh 24/24 trong suốt thời gian hoạt động để báo cho nhau; các đối tượng cũng thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm, phương tiện giao nhận hàng...

Theo quan sát của lực lượng chức năng, tại khu vực biên giới An Giang, các đối tượng buôn lậu chủ yếu hoạt động tại các khu vực như: Kênh Ngọn Cả Hàng, xã Vĩnh Hội Đông và khu vực dòng sông ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu; khu vực gò Tà Mâu, thuộc phường Vĩnh Ngươn, Châu Đốc và tuyến Quốc lộ 91.

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tuyến biên giới được các cơ quan chức năng nhận định rất tinh vi, thay đổi nhanh theo từng thời điểm, đặc biệt vào mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11. Hàng lậu thường được các đối tượng tập kết sát với biên giới hoặc cất giấu trên các tàu có trọng tải lớn neo đậu trên các dòng sông chung giữa Việt Nam - Campuchia để chờ cơ hội sử dụng xe máy, xuồng máy có tốc độ cao hoặc thuê người đai vác để lén lút vận chuyển qua biên giới. Sau khi đưa hàng lậu qua biên giới, các đối tượng mang hàng đi cấy giấu tại các kho hàng, chia nhỏ cất giấu trong nhà dân hoặc nhanh chóng chuyển hàng lên các xe gắn máy, ô tô đang đậu chờ sẵn nhận hàng để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.

Điều khiến lực lượng chức năng rất khó xử lý là, trong các đường dây hoạt động buôn lậu, các đối tượng cầm đầu rất chặt chẽ, lôi kéo nhiều người tham gia, nhất là các đối tượng phạm tội vào đường dây hoạt động, sẵn sàng bồi thường tiền cho các đối tượng khi bị bắt giữ; nên các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện...

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang: Trong 10 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra và phát hiện vi phạm hơn 1.400 vụ (giảm 24% so với cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; bao gồm hơn 930 nghìn gói thuốc lá nhập lậu (giảm 5%) và hơn 302 nghìn kg đường cát (giảm 52%). Tổng giá trị hàng hoá bắt giữ trên 38,61 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hoá tịch thu gần 14,5 tỷ đồng. Tiến hành khởi tố 27 vụ, với 27 đối tượng (tăng 22 vụ so với cùng kỳ), trị giá tang vật khởi tố trên 2 tỷ đồng và 1.205 USD.

Chống buôn lậu cần triệt để

Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, sở dĩ tình hình buôn lậu trên địa bàn vẫn còn nóng vì, nhu cầu tiêu thụ đối với hàng hoá tiêu dùng và sản xuất trong nước lớn; giá và chất lượng giữa hàng hoá nhập lậu và hàng hoá sản xuất trong nước vẫn còn chênh lệch... Ông Thạnh cũng thừa nhận, hiện công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn, do lực lượng chống buôn lậu rất mỏng so với địa bàn quản lý; phương tiện, công cụ hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu chưa được đảm bảo.

Tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ An Giang về công tác phòng chống buôn lậu trên địa bàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình quán triệt, phải tập trung chỉ đạo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới để người dân khu vực biên giới có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nhất là trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, cần có các biện pháp bảo vệ cán bộ, chiến sỹ thi hành công vụ, người dân tham gia tố giác tội phạm. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, các thủ đoạn gian lận thương mại, tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc để người dân không tiêu dùng các mặt hàng này, đặc biệt là trên hệ thống loa đài tại các trung tâm thương mại và các chợ đầu mối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam: Làm gì để giảm nóng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO