Áo dài-cầu nối để phát triển du lịch

Hoàng Minh 17/10/2016 09:35

Nằm trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội 2016, ngày 16/10, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”.

Áo dài-cầu nối để phát triển du lịch

Gắn kết áo dài với phát triển du lịch là cách làm hữu hiệu để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. (Ảnh: Mạnh Hà).

Cách tân trên nền tảng cũ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, khoảng 20 năm trở lại đây áo dài càng ngày càng phát huy được những nét đặc sắc. Các NTK, nghệ nhân đã đưa ra nhiều kiểu áo dài mới lạ, sang trọng giúp người phụ nữ Việt Nam trở nên tự tin hơn tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế.

“Từ ý nghĩa đó, tôi nghĩ việc đưa hình ảnh những sản phẩm, đặc sản của Việt Nam như tranh Đông Hồ, mây tre đan, gốm sứ lên ái dài là điều rất tốt. Việc kết hợp này vừa cho mọi người thấy được vẻ đẹp của áo dài và giới thiệu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Áo dài cũng nên được xây dựng làm quà tặng trong các hoạt động du lịch. Ngoài ra việc quảng bá áo dài có thể thông qua các cuộc thi sắc đẹp, sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế…”-ông Sơn cho hay.

Trong quá trình hình thành phát triển, lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những sự thăng trầm, cách tân của áo dài. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, vào thập niên 30 tại Hà Nội thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, hai họa sĩ tài hoa Cát Tường, Lê Phổ tiếp thu một số chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời.

Từ năm 1955 đến năm 1975, thời chiến, tại miền Bắc áo dài mất bóng trong sinh hoạt đời thường. Còn ở miền Nam, áo dài vẫn phát triển phục vụ nhu cầu sử dụng của nữ giới.

Từ khi mở cửa giao lưu rộng rãi với quốc tế, áo dài lại có cơ hội phục sinh mạnh mẽ. Các nhà thiết kế thời trang, các nghệ nhân đã tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài với muôn màu, muôn vẻ.

Mơ về một không gian áo dài

Tuy nhiên, câu chuyện “kết nối” áo dài với phát triển du lịch vẫn đang còn là vấn đề bỏ ngỏ. Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt đề xuất, nên biến không gian đi bộ quanh Hồ Gươm và phố cổ trở thành không gian tràn ngập áo dài truyền thống Việt Nam.

Quyết định lập tuyến phố đi bộ của UBND TP đã giúp tôn lên vẻ đẹp của những di tích, danh thắng ấy và mở ra cơ hội cho mọi người được cảm nhận và hưởng thụ sâu hơn giá trị hơn ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Xung quanh Hồ Gươm, TP cũng đã tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ ngoài trời, cả truyền thống lẫn hiện đại và các trò chơi dân gian… tất cả mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm lý thú.

“Có thể khuyến khích mọi người mặc áo dài bằng cách tặng coupon ăn, uống ở phố đi bộ. Miễn phí vé vào cửa tham quan các di tích trong phố đi bộ. Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh miễn phí.

Buổi tối tổ chức show trình diễn áo dài ngoài trời của các nhà thiết kế (đoạn cầu Thê Húc - đài phun nước và đoạn nhà cổ 87 Mã Mây - đền Bạch Mã). Toàn bộ các hoạt động trên có thể xã hội hoá và nhà nước gần như không phải bỏ chi phí” - ông Nguyễn Tiến Đạt kiến nghị.

Đồng quan điểm, các nhà thiết kế cũng đề xuất mong muốn TP Hà Nội nên kêu gọi học sinh, sinh viên, người dân và du khách mặc áo dài khi đến không gian đi bộ vào cuối tuần.

Phố đi bộ quanh Bờ Hồ, phổ cổ đang bị kêu còn nhàm chán, ít hoạt động thì cũng sẽ trở nên sinh động và đẹp hơn, nên thơ hơn với các thiếu nữ, phụ nữ trong tà áo dài thướt tha.

Nhiều người muốn diện áo dài nhưng lại ngại vì sợ bị lạc lõng thì phố đi bộ Hà Nội sẽ là không gian lý tưởng để chị em mặc áo dài. Phố đi bộ mở rộng quanh Hồ Gươm dịp cuối tuần thành không gian mặc áo dài. Chính người dân và du khách khi mặc áo dài cũng sẽ góp phần điểm tô cho không gian quanh Hồ Gươm.

Nếu được thì đây sẽ là cách quảng bá du lịch hữu hiệu nhất mà không mất bất kỳ chi phí nào. Mặt khác, những hộ kinh doanh ở quanh phố đi bộ có thể mở dịch vụ cho thuê áo dài, bởi nhiều người không tiện mang áo dài, hay du khách nước ngoài có thể thuê để mặc nếu chi phí hợp lý.

Nếu hình thành được phong trào này, Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu cả nước trong việc khôi phục nét đẹp văn hóa mặc áo dài. Đồng thời, góp phần quảng bá du lịch một cách hữu hiệu.

Nhiều nhà thiết kế cũng cho rằng khi có một không gian áo dài, không chỉ áo dài được phát triển mà lụa Vạn Phúc cũng phát triển nghề truyền thống, các cửa hàng tơ lụa phố Hàng Gai sẽ có thêm nhiều khách đến mua sắm.

Đây cũng là cơ hội để du lịch thu hút khách đến thăm quan Hà Nội và ngắm tà áo dài Việt Nam. Ý tưởng này không những giúp ích về mặt kinh tế, du lịch mà còn phần nào khôi phục văn hóa hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Khi đến khu vực Hồ Gươm nếu bắt gặp cả một không gian tràn ngập áo dài, du khách sẽ chụp ảnh, đưa lên trang cá nhân, mạng xã hội, thậm chí báo chí nước ngoài… Đây là cách quảng bá du lịch hữu hiệu nhất mà không mất bất kỳ chi phí nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áo dài-cầu nối để phát triển du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO