Áp giá trần cho căn hộ nhỏ, doanh nghiệp dọa bỏ cuộc

Minh Phương 04/07/2020 08:14

Thay vì việc can thiệp sâu vào câu chuyện giá cả, nhà quản lý nên sớm phải giải tỏa được hết những rào cản về quỹ đất, vấn đề về pháp lý cũng như đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cho loại hình nhà ở diện tích nhỏ.

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, nếu triển khai được căn hộ thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, với giá dưới 20 triệu đồng/m2, cơ hội cho người thu nhập thấp được sở hữu nhà ở là rất lớn. Song, để xây dựng được những căn hộ như vậy, không phải là điều dễ dàng.

Ý tưởng xây dựng căn hộ nhỏ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 được nhà quản lý đưa ra hứa hẹn sẽ tạo nên một phân khúc nhà ở mới hoàn toàn phù hợp với điều kiện thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay. Mới đây, để hiện thực hóa ý tưởng này, đại diện Bộ Xây dựng đã có đề xuất lên Chính phủ về việc áp giá trần dành cho các căn hộ thương mại có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 20 triệu/m2.

Giới chuyên gia đánh giá, gói nhà ở này là một chủ trương tốt của nhà quản lý bởi nó sẽ biến giấc mơ sở hữu nhà của nhiều người thu nhập thấp thành hiện thực. Tuy nhiên, xét về nhiều khía cạnh, việc áp giá trần như đề xuất của đại diện Bộ Xây dựng là khó khả thi.

Đánh giá về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, đối với ý tưởng xây dựng căn hộ dưới 70m2 có giá dưới 20 triệu đồng/m2, nói thì đơn giản nhưng thực thi là rất khó.

“Nếu chỉ triển khai các dự án nhà ở với quy mô 5 tầng với bao gồm các căn hộ từ 25-30 m2 giống như các tỉnh Bình Dương, Long An đang thực thi với giá bán 10 triệu/m2 thì còn khả thi, vì thực tế các tỉnh này đã triển khai nhiều dự án như vậy và nhiều người thu nhập thấp đã có thể sở hữu được các căn hộ nhỏ giá rẻ. Tuy nhiên, nếu xây dựng các dự án nhà cao tầng với quy mô từ 15-20 tầng thì không thể có giá dưới 20 triệu đồng/m2” - ông Nguyễn Văn Đực nói.

Theo vị này, đây mới chỉ là một ý kiến của cá nhân ở Bộ Xây dựng chứ chưa phải ý kiến chính thức của Bộ này. Song, điều có thể nhìn thấy luôn là tại TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội là không thể khả thi. Đi sâu vào phân tích, ông Đực cho hay, nếu nhà quản lý áp giá trần dưới 20 triệu đồng/m2 có nghĩa là nhà quản lý đang can thiệp quá sâu vào việc của DN.

Chủ đầu tư khi bỏ vốn ra họ đã phải tính đủ các chi phí cũng như tính toán quỹ đất để xây dựng dự án, mà với tình hình vật giá hiện nay, không có một chủ đầu tư nào có thể có lãi khi bán căn hộ 70 m2 với giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Thực tế đã minh chứng, thời gian qua, những dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp đã không thể bán được vì bộc lộ tính bất hợp lý. Với nhu cầu của người dân hiện nay, nhà giá có thấp đến mấy nhưng xa trung tâm, không thuận tiện, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu (gần chợ, gần trường, hạ tầng giao thông thuận tiện…) thì họ cũng sẽ không bao giờ mua.

Theo quan điểm của các chuyên gia trong ngành bất động sản, quỹ đất rẻ để có thể xây dựng được những dự án giá thấp như kỳ vọng của nhà quản lý là rất khó, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bản thân các DN khi thực thi những dự án này sẽ không thấy có lợi nhuận lớn, do đó các DN cũng sẽ không mặn mà.

Chính bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, thay vì việc can thiệp sâu vào câu chuyện giá cả, nhà quản lý nên sớm phải giải tỏa được hết những rào cản về quỹ đất, vấn đề về pháp lý cũng như đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cho loại hình nhà ở này… Đó mới là những vướng mắc lớn đối với vấn đề nhà ở giá rẻ hiện nay. Nếu không lại rơi vào số phận ế ẩm những dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập khác mà dư luận xã hội đã chứng kiến.

“Việc áp giá trần cho các dự án nhà ở giá rẻ là nhà quản lý đang làm thay việc của DN. Trong khi, bản thân DN họ sẽ phải tự tính được những chi phí họ bỏ ra, giá bán thế nào mới có lợi nhuận” - ông Nguyễn Văn Đực nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp giá trần cho căn hộ nhỏ, doanh nghiệp dọa bỏ cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO