Áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ

Minh Phương 15/06/2019 06:40

Áp lực cạnh tranh tại thị trường bán lẻ trong nước ngày càng lớn, nhất là khi thị trường này chứng kiến cuộc rút lui của Auchan khỏi thị trường Việt Nam do bị thua lỗ kéo dài. Câu hỏi đặt ra là: Dành được nhiều ưu đãi khi đầu tư tại thị trường Việt Nam, tại sao một doanh nghiệp (DN) FDI như Auchan lại có kết cục như vậy?

Nhiều tuần nay dư luận đang bàn tán bình luận về cuộc rút lui của Auchan khỏi thị trường Việt Nam do bị thua lỗ kéo dài. Dư luận cũng đã từng chứng kiến nhiều DN bán lẻ nước ngoài rời khỏi thị trường Việt Nam như Metro, Big C…Và nguyên nhân được giới chuyên gia lý giải rằng: Tìm phân khúc khách hàng không chuẩn, doanh số bán ra trừ chi phí không đạt mức cần thiết để có lãi, tổn thất hàng hóa do quản lý yếu kém v.v...Nhận định về sự ra đi của Auchan, ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia ngành bán lẻ, phân tích: Trong việc kinh doanh, tình trạng lỗ, lãi, thành lập hay giải thể, rút lui khỏi thị trường là một việc bình thường, tuy nhiên đằng sau việc rút lui đó là gì thì chỉ có quản lý mới câu trả lời chính thức và xác đáng. Nó cũng như doanh thu, thuế nộp hàng năm bao nhiêu của các doanh nghiệp bán lẻ, chỉ có nhà thuế và DN nắm rõ nhất.

Qua sự việc của BigC, Metro, Fivimart, Auchan v.v... rút lui khỏi thị trường dư luận đặt ra câu hỏi: Với những chính sách ưu ái của Nhà nước Việt Nam với các DN FDI bán lẻ như miễn giảm tiền thuế thu nhập 50% trong 2 năm đầu, bố trí quỹ đất đẹp, tiện kinh doanh v.v... cộng với việc các siêu thị lớn có thế mạnh thường xuyên ép chiết khấu, đòi chi phí khác cao một cách vô lý đối với nhà sản xuất và cung ứng của Việt Nam… thì tại sao lại có thể dễ dàng rời bỏ thương trường đến vậy? – ông Phú đặt câu hỏi.

Tiếp tục phân tích câu chuyện liên quan đến Auchan, ông Vũ Vinh Phú đặt vấn đề: Chúng ta giả sử rằng, siêu thị này không nằm trong diện “ép giá” hay gây áp lực đối với các nhà cung ứng Việt, họ luôn luôn muốn bán giá thấp, bán thật nhiều ở thị trường Việt Nam như lãnh đạo Auchan từng tâm sự khi thâm nhập vào thị trường nội địa. “Vậy, câu hỏi đặt ra là đằng sau việc rút lui của Metro, BigC, Fivimart do bị thua lỗ có chính xác không?” – ông Phú đặt vấn đề.

Sự việc Metro trước khi bán cho Thái Lan đã bị các cơ quan có trách nhiệm truy thu hơn 500 tỷ đồng về chuyển giá và thuế là một bài học cho công tác quản lý bán lẻ, tài chính trên thị trường Việt Nam, đảm bảo minh bạch, công bằng cho các đơn vị làm ăn nghiêm túc và sử lý kiên quyết đối với những đơn vị qua kiểm tra, vi phạm. Thị trường bán lẻ nước nhà tới đây sẽ còn đón nhận nhiều DN FDI cũng như DN Việt đổ vốn đầu tư. Để không còn những “hiện tượng” lạ đã và đang xảy ra tại thị trường này, giới chuyên gia nêu quan điểm: Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một môi trường kinh doanh sòng phẳng, lành mạnh tạo động lực cho các DN bán lẻ trong và ngoài nước cùng có cơ hội cạnh tranh. “Bài học của Auchan cũng là bài học sâu sắc và thiết thực cho các DN, các tổ chức cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ đầy cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức như Việt Nam” – chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO