Áp lực của ngành chăn nuôi

Lê Bảo – Minh Sang 15/09/2022 07:09

Chăn nuôi là 1 trong 4 ngành có sản phẩm tạo ra giá trị lớn trong hệ thống nông nghiệp, chiếm gần 6% GDP hàng năm. Tuy nhiên 47% sản lượng chăn nuôi còn nằm ở khu vực nông hộ - nơi thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường...

Phụ thuộc nguồn nguyên liệu khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều áp lực về chi phí.

Vẫn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành chăn nuôi đã có sự phát triển nhanh chóng, thể hiện trên một số kết quả như: Chăn nuôi có sự đóng góp lớn của hệ thống khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, khu vực nông hộ, trang trại cũng đang có sự chuyển dịch theo hướng quy mô lớn, chuyên nghiệp hóa.

Theo ông Chinh, năm 2021, chúng ta đã sản xuất được 6,7 triệu tấn thịt hơi các loại, trong đó thịt lợn chiếm 70%; 17,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa... Bên cạnh đó là gần 12 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp cung ứng cho ngành chăn nuôi. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có vai trò là “đầu tàu”, dẫn dắt toàn bộ chuỗi giá trị ngành chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Cùng với đó, xuất hiện nhiều chuỗi giá trị khép kín của các tập đoàn, DN lớn như CP, TH, Dabaco, De Heus... vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ và đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, ông Chinh cũng chỉ rõ những thách thức mà ngành chăn nuôi đang gặp phải. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ tháng 11/2020 đến nay khiến chi phí sản xuất tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh của một số sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.

Nếu tới đây không nhanh chóng tự chủ được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, phải nhập khẩu từ các quốc gia khác thì ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững. Thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá sản phẩm chăn nuôi giảm, hộ chăn nuôi bị lỗ vốn, dẫn tới tâm lý e dè của nông dân trong việc tái đàn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chỉ giảm trong 2 năm là 2017 và 2019, còn lại các năm khác trị giá nhập khẩu đều tăng. Riêng trong 7 tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chi tới gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương.

Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác như khô dầu các loại (2,2 triệu tấn); lúa mỳ (0,73 triệu tấn); bột cá, bột xương, đạm động vật, hỗn hợp các chất vi lượng (Premix).

Giảm áp lực nhập khẩu

Theo các chuyên gia, việc thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong ngắn hạn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Do vậy, giải pháp trước mắt để ngành chăn nuôi thích ứng với giai đoạn phát triển mới, các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi, theo hướng hiện đại - công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ. Xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Tống Xuân Chinh, thời gian tới, ngành chăn nuôi phải nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo kiểm soát tất cả các khâu trong ngành, song song đó nỗ lực hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó xây dựng tiêu chuẩn phát triển chăn nuôi trang trại ở các quy mô khác nhau, đặc biệt là trang trại quy mô lớn của các DN nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị khép kín, với những DN lớn, đầu tàu. Trong chuỗi này, các nông hộ, trang trại sẽ trở thành đối tác, thành viên trong việc tham gia hình thành các vùng nguyên liệu. Do đó chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trở thành hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

“Giải pháp quan trọng lúc này cần chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực nhập khẩu. Theo đó, có thể sử dụng phế thải chăn nuôi như phân, xác vật nuôi để nuôi các loại côn trùng như trùn quế, ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi” - ông Chinh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực của ngành chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO