Áp lực đến từ rác thải y tế

Trường Giang 30/07/2021 06:06

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc giãn cách xã hội, kiểm soát nguồn lây, điều trị người nhiễm Covid-19… thì công tác thu gom rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Xử lý thế nào để đảm bảo an toàn, không phát tán mầm bệnh ra môi trường?

Khử khuẩn chất thải y tế nguy hại trước khi thu gom, vận chuyển. Ảnh: Việt Hải.

TP HCM đủ năng lực xử lý 100 tấn rác thải/ngày

Vừa qua, khi mạng xã hội chia sẻ clip về việc rác thải chất đống, ngổn ngang ở trường THCS Phú Định (Quận 8, TP HCM) - địa điểm được trưng dụng cho việc thực hiện cách ly tập trung những người có nguy cơ lây nhiễm của khu vực chợ Bình Điền thì vấn đề lập tức thu hút sự quan tâm của rất nhiều người…

Tuy nhiên, ngay sau đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) đã xử lý vụ việc và rút kinh nghiệm về vấn đề này đồng thời cho biết, thời gian tới, người dân nếu phát hiện có vấn đề rác tồn đọng trong bất cứ khu cách ly tập trung nào có thể gửi góp ý và ảnh chụp tới cổng thông tin của Sở TN&MT thành phố để Sở tiếp nhận, nắm tình hình và điều phối xử lý kịp thời.

Theo Sở TN&MT, hiện tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại các khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến khoảng 70 tấn/ngày. Để thu gom, vận chuyển hết lượng rác có nguy cơ lây nhiễm về nhà máy xử lý an toàn, ngành Môi trường thành phố huy động gần 100 xe các loại với hơn 400 công nhân tham gia trong quá trình thu gom.

Về vấn đề xử lý rác ngay sau khi thu gom để đảm bảo an toàn, không phán tán mầm bệnh ra môi trường, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM, do đây là loại rác nguy hại nên sau khi được thu gom sẽ vận chuyển về lò đốt ngay chứ không xử lý theo quy trình chôn lấp như rác thải thông thường. Tất cả quy trình xử lý đều tuân thủ nghiêm ngặt về yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với số khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến hiện nay thì lượng rác thải y tế có yếu tố dịch tễ thải ra mỗi ngày rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP HCM có đủ năng lực xử lý 100 tấn/ngày, sở TN&MT cũng lên kịch bản xử lý khi lượng rác thải phát sinh.

Các công ty môi trường cũng có các giải pháp ứng phó trong tình hình hiện nay khi lượng rác thải y tế gia tăng, đảm bảo không để rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh…

Đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất

Những ngày qua, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các khu vực cách ly tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được triển khai nghiêm ngặt theo quy trình, đảm bảo an toàn, không để phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tăng cường hướng dẫn các khu cách ly tập trung, người cách ly y tế tại nhà nghiêm túc thực hiện phân loại chất thải triệt để, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định.

Sở cũng yêu cầu các khu cách ly tập trung phải chuyển giao chất thải nguy hại lây nhiễm cho cơ sở xử lý; phối hợp với cơ sở xử lý chất thải lập phương án cụ thể về số lượng phát sinh, địa điểm phát sinh để có phương án thu gom, vận chuyển đảm bảo về thời gian, tuyến đường vận chuyển, tránh phát sinh dịch.

Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) là 1 trong 2 đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn Thủ đô. Theo đại diện công ty, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước, hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị chức năng thì mỗi người dân cần tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế về chăm sóc sức khỏe, chú trọng thực hiện “5K”, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách để ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, theo quy định pháp luật, chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung phải được thu gom xử lý theo các quy định về quản lý chất thải nguy hại. Cụ thể hơn, chất thải y tế lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh Covid-19, phải được thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý tại các cơ sở y tế, có trang thiết bị đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, và hoạt động theo mô hình cụm cơ sở xử lý chất thải y tế tại địa phương (do UBND tỉnh, thành phố quyết định) hoặc các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực đến từ rác thải y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO