Áp lực đối với tân Thủ tướng Đức

Thanh Đức 29/11/2021 06:05

Cuối cùng thì lãnh đạo đảng Xã hội dân chủ Đức, ông Olaf Scholz, cũng đã đạt được thỏa thuận liên minh cùng với đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do để lập chính phủ mới. Ông Olaf Scholz sẽ trở thành Thủ tướng thay cho bà Angela Merkel. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với tân chính phủ của ông Scholz vẫn còn ở phía trước.

2 tháng sau cuộc bầu cử lập pháp, một liên minh chưa từng có ở cấp liên bang sẽ nắm quyền lãnh đạo nước Đức, khi mà đảng Xã hội dân chủ (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) đã đi tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Ngày 6/12 tới, Hạ viện Đức sẽ bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng. Như vậy, ông Scholz sẽ là Thủ tướng Đức thứ 9 kể từ năm 1949.

Đây là lần thành lập chính phủ liên bang 3 bên đầu tiên ở Đức kể từ những năm 1950. AP dẫn lời ông Scholz nói rằng, chính phủ mới sẽ tìm kiếm “những ảnh hưởng lớn trên chính trường”. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một châu Âu có chủ quyền, tình hữu nghị với Pháp và quan hệ đối tác với Mỹ như những nền tảng then chốt trong chính sách đối ngoại của chính phủ sắp lên nắm quyền ở Đức.

Ông Scholz, 63 tuổi, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng trong chính quyền của bà Merkel kể từ năm 2018.

Trước khi thông tin về thỏa thuận thành lập chính phủ mới được loan báo, bà Merkel đã có cuộc họp nội các lần cuối trước khi mãn nhiệm. Tại đây, ông Scholz đã tặng một bó hoa cho nữ chính trị gia 67 tuổi, người lãnh đạo Chính phủ Đức 16 năm, kể từ năm 2005.

Rành mạch, súc tích và không biểu hiện bất kỳ cử chỉ đắc thắng nào, giới quan sát chính trị châu Âu cho rằng ông Scholz không chỉ cho thấy mình có phong thái giống với người tiền nhiệm, mà còn thấm nhuần khí chất trầm ổn của bà Merkel đến mức thường xuyên chụm các đầu ngón tay tạo thành hình kim cương, một cử trỉ đặc trưng của nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm.

“Ông ấy giống như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiên cứu băng hình của cầu thủ khác để thay đổi lối chơi của mình”- nhà quan sát chính trị Robin Alexander nhận xét. “Từ tính khí, phong cách chính trị đến biểu hiện khuôn mặt, ông Scholz đều có nét tương đồng với bà Merkel”.

Tuy nhiên, việc ông Scholz đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng nước Đức - đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn này không hề dễ dàng. Theo Thời báo New York, hiếm có một nhà lãnh đạo nào ở Đức lên nắm quyền giữa nhiều khủng hoảng nhức nhối như hiện nay. Ngay sau khi nhậm chức, ông Scholz sẽ phải đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, căng thẳng biên giới giữa Ba Lan và Belarus, và còn có “sứ mệnh” thu hẹp giãn cách với đồng minh Mỹ bên kia bờ Đại Tây dương.

Jana Puglierin - Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận định: “Áp lực hiện giờ rất lớn. Chính phủ mới ở Đức sẽ ra mắt trong bối cảnh sức nóng đang gia tăng trên nhiều mặt trận. Và khi nói đến chính sách đối ngoại, ông Olaf Scholz vẫn còn là một ẩn số”.

Ông Olaf Scholz là thành viên kỳ cựu của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), từng phục vụ trong 2 đời chính phủ do đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel lãnh đạo. Sinh ra ở thành phố Osnabruck miền Bắc nước Đức nhưng lại lớn lên tại Hamburg - nơi ông sau này trở thành Thị trưởng. Ông Scholz gia nhập SPD khi còn học trung học. Là một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, ông đã có 10 năm làm luật sư bào chữa cho những công nhân có nguy cơ thất nghiệp bởi việc đóng cửa các nhà máy. Sau này, với tư cách Tổng thư ký SPD dưới thời Thủ tướng Gerhard Schroder, ông Scholz đã ra sức bảo vệ những cải cách thị trường lao động với phong cách “quyết đoán như một cỗ máy”, điều đó khiến ông có biệt danh “Scholzomat” (người máy Scholz).

Theo giới phân tích chính trị Đức, ông Scholz là chính khách luôn hướng tới những mục tiêu dài hạn và đã ấp ủ tham vọng trở thành Thủ tướng từ năm 2011. Các đối thủ trên chính trường cũng phải thán phục bản năng chính trị, sự bền bỉ và niềm tin thầm lặng vào bản thân của ông. Giống như người tiền nhiệm Angela Merkel, ông Scholz nổi tiếng là một người đáng tin cậy và nhã nhặn, có khả năng hóa giải những bất đồng đảng phái.

Nhà quan sát Robin Alexander cho rằng, ông Scholz học hỏi được nhiều ở bà Merkel, đồng thời cũng là người “phù hợp” với những gì đang diễn ra vì ông là người luôn muốn hướng tới. Mà trước hết là phải giữ được hòa khí trong một chính phủ liên minh 3 đảng - điều chưa từng có tiền lệ.

“Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nước Đức của ông Olaf Scholz có thể trở thành chất keo gắn kết châu Âu, và là sợi dây kết nối xuyên Đại Tây dương trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cũng như cạnh tranh với các đối thủ chiến lược” - ông Robin Alexander nhận xét trên tờ Tấm gương.

Việc trước tiên là ông Olaf Scholz sẽ phải dẫn dắt nước Đức nhanh chóng thoát khỏi làn sóng Covid-19 đang bùng phát dữ dội, trong khi Đức đã vượt qua cột mốc 100.000 người chết vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ở châu Âu, Đức là quốc gia thứ 5 vượt qua mốc đó, sau Nga, Anh, Italy và Pháp. Tình hình dịch Covid-19 tại Đức vẫn đang rất xấu. Đợt dịch thứ tư này là tồi tệ nhất từ đầu đại dịch cho dù Đức đã tiêm chủng cho gần 70 % dân số. Theo Viện Giám sát y tế Đức Robert Koch thì đây là mức lây nhiễm chưa từng có sau gần 2 năm khủng hoảng dịch. Nhà virus học Christian Drosten, chuyên gia hàng đầu về phòng, chống dịch Covid-19 ở Đức đã phải lên tiếng báo động sẽ còn nhiều người nữa phải thiệt mạng nếu không có hành động gì ngăn chặn dịch lây lan. Trong khi đó, chuyên gia Ralf Reintjes nói rằng khi mà vẫn còn 1/3 số người lớn tuổi vẫn chưa tiêm vaccine và các biện pháp phòng dịch bị nới lỏng thì đó cũng không phải là “điều bất ngờ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực đối với tân Thủ tướng Đức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO